Bóng đá Việt Nam nhìn từ đề án phát triển đến năm 2030, định hướng đến năm 2045: Mục tiêu World Cup và hơn thế - Bài 1: Thay đổi tư duy, hành động quyết liệt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2368/QĐ-BVHTTDL ngày 4-7-2025 về việc phê duyệt Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Đề án).

Nhiều kế hoạch, chương trình, mục tiêu cụ thể đã được nêu ra trong Đề án, trong đó bóng đá nam được định hướng phấn đấu tham dự vòng chung kết World Cup 2034, tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032, đồng thời phát triển bóng đá trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.

Việc Đề án ra đời được xem là một cuộc “cách mạng” để bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá nam nói riêng tăng tốc. Đề án kỳ vọng các cấp, ngành, địa phương, liên đoàn, tổ chức, doanh nghiệp… cùng chung tay để xây dựng một nền bóng đá quốc gia chuyên nghiệp, phát triển bền vững, xứng đáng với những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được ở lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Bài 1: Thay đổi tư duy, hành động quyết liệt

Nhiều thay đổi mang tính lịch sử được nêu ra trong Đề án được xem là “thời cơ vàng” để bóng đá nam “cất cánh”.

Cuộc “cách mạng” của bóng đá

Ngay sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, Đề án đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của những nhà hoạch địch chính sách, giới chuyên môn, những nhà quản lý bóng đá, cầu thủ, huấn luyện viên và người hâm mộ. Trong đó, nhiều định hướng mang tính lịch sử của Đề án đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhất là khi bóng đá được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng sẽ đạt được sự bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Bóng đá nam Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup 2034. Ảnh: VIỆT AN

Bóng đá nam Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup 2034. Ảnh: VIỆT AN

Đề án thể hiện rõ quan điểm phát triển bóng đá nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí lực, thể lực, có lối sống lành mạnh; góp phần gắn kết cộng đồng, xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Phát triển bóng đá nằm trong Chiến lược chung của ngành Thể dục thể thao, là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách kinh tế-xã hội của đất nước. Các mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách phát triển bóng đá phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với đường lối phát triển chung, chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng ngành, địa phương. Phát triển bóng đá bền vững, dựa trên nền tảng phong trào rộng khắp; đầu tư trọng tâm, trọng điểm và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá. Kết hợp giữa sử dụng nguồn lực Nhà nước và các nguồn vận động từ xã hội trong phát triển bóng đá thành tích cao; trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết hợp với mở rộng phương thức xã hội hóa, thu hút đầu tư và sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển sự nghiệp bóng đá.

Từ những quan điểm trên, Đề án đã nêu ra mục tiêu: Phát triển phong trào bóng đá rộng khắp trong các đối tượng trong xã hội. Đầu tư trọng điểm cho đào tạo tài năng bóng đá, từng bước tiếp cận với mục tiêu lọt vào tốp 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất châu Á, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giành suất tham dự vòng chung kết World Cup 2034. Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực bóng đá, đưa bóng đá trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, khơi dậy tiềm năng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, sự tham gia của xã hội trong phát triển môn bóng đá ở Việt Nam.

Trong Đề án, mục tiêu đối với bóng đá nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được nêu ra rất rõ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu vào đến tứ kết ASIAD 2030, tứ kết Asian Cup 2031, giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup 2034, tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032. Mục tiêu đến năm 2045: Chuyên nghiệp hóa trình độ cao bóng đá ở cấp đội tuyển quốc gia, câu lạc bộ; đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; phấn đấu giữ vững vị trí tốp 10 châu Á; phấn đấu giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup…

Ông Phan Anh Tú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội cho rằng, những quan điểm, mục tiêu mà Đề án đặt ra đều xác thực và có cơ sở khoa học khi đặt bóng đá trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. “Sau sắp xếp các đơn vị hành chính, bóng đá có dư địa lớn để phát triển. Bởi lúc này, tính tập trung sẽ cao hơn. Kinh tế tư nhân được phát triển đã tạo động lực để những người yêu mến bóng đá đầu tư hơn. Đây không phải lần đầu tiên bóng đá nam đề ra mục tiêu World Cup, mà chúng ta đã mấp mé với việc vào tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và sự mấp mé đó tạo ra kinh nghiệm. Điều thuận lợi lúc này là bóng đá đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để phát triển và bóng đá còn là một yếu tố phát triển quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Phan Anh Tú bày tỏ.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Duy Ly, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nguyên Trưởng ban tổ chức V-League cho rằng, bóng đá không đơn thuần là thành tích thể thao mà còn là chính trị, là ngoại giao, là thể hiện vị thế và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Việc bóng đá phát triển sẽ khiến người dân tự hào, trở thành động lực để tác động vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Không có một môn thể thao nào thu hút được đông đảo người hâm mộ như bóng đá, không có một môn nào làm cho hàng triệu người dân Việt Nam thêm đoàn kết và thêm yêu quốc gia, dân tộc như bóng đá… Trong những năm qua, bóng đá đã trở thành công cụ ngoại giao hiệu quả của Việt Nam. Mới nhất, tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Brazil Vasco da Gama, qua đó thúc đẩy hợp tác bóng đá Việt Nam và Brazil.

Xóa bỏ tâm lý làm bóng đá chộp giật

Việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, một yêu cầu bắt buộc đối với phát triển bóng đá giai đoạn mới.

Trong suốt một thời gian dài, việc phát triển bóng đá Việt Nam được duy trì theo kiểu “ngắt ngọn”, chạy đua theo thành tích mà quên đi xây dựng phần móng. Có thể thấy, trước mỗi giải đấu, các đội tuyển quốc gia sẽ tập trung lực lượng những cầu thủ tốt nhất ở các câu lạc bộ rồi đưa đi tập huấn, tập luyện và bước vào giải thi đấu. Đây là cách làm mang tính ngắn hạn, không có đường hướng phát triển bài bản. Bởi vậy, trong các nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các đơn vị, địa phương liên quan cần sớm xây dựng Chương trình cải tiến hệ thống tổ chức thi đấu các giải trẻ quốc gia; kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu bóng đá quốc gia; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên bóng đá năng khiếu các độ tuổi; xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ-y học phục vụ huấn luyện bóng đá…

Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, bóng đá Việt Nam cần thay đổi tư duy, nhận thức để phát triển. Ông Xương phân tích: "Đề án là cơ hội để các nhà làm bóng đá thay đổi tư duy, không nên chạy đua thành tích trước mắt mà bỏ qua những yếu tố mang tính chất nền tảng, cần xây dựng chiến lược phát triển một cách dài hạn, đầu tư đồng bộ, liên tục và có lộ trình phù hợp. Ở các cường quốc bóng đá trên thế giới, câu lạc bộ mạnh sẽ tạo động lực giúp đội tuyển quốc gia phát triển, gặt hái thành công. Vì vậy, ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, các câu lạc bộ cần có nền tảng vững chắc, tận dụng nguồn nhân lực giỏi, mới phát triển bền lâu, gặt hái thành tích cao".

"Để hiện thực hóa những mục tiêu lọt vào vòng loại cuối World Cup 2030, vào vòng chung kết World Cup 2034 theo Đề án, thì đội tuyển U23 Việt Nam hiện tại cần được đầu tư chuyên sâu hơn. Lứa cầu thủ này sẽ đảm đương những nhiệm vụ của đội tuyển quốc gia trong tương lai, nên phải thể hiện sự phát triển, tiến bộ ở những giải đấu như U23 Đông Nam Á, vòng loại U23 châu Á hay SEA Games 33", chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định.

Chức vô địch ASEAN Cup 2024 tạo cú hích để bóng đá nam Việt Nam hướng tới những mục tiêu lớn hơn. Ảnh: VIỆT AN

Chức vô địch ASEAN Cup 2024 tạo cú hích để bóng đá nam Việt Nam hướng tới những mục tiêu lớn hơn. Ảnh: VIỆT AN

Còn với ông Phan Anh Tú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội, thay đổi nhận thức trong điều hành và quản lý bóng đá là cần phải chuyên nghiệp hóa và tư nhân hóa. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, bóng đá nói chung và đặc biệt là bóng đá nam sẽ nhận được sự quan tâm của các nguồn lực xã hội, bởi việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp cần có sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay của các doanh nghiệp. Trong đó, việc Đề án nêu mục tiêu Nhà nước tạo cơ chế, thực hiện cơ chế xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT), hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất là một định hướng mang tính "cách mạng".

Theo ông Phan Anh Tú, không ai làm tốt bóng đá hơn tư nhân. Trong giai đoạn phát triển mới, Nhà nước cần đóng vai trò hoạch định chính sách, hỗ trợ về thể chế, tạo mọi điều kiện để tư nhân tham gia làm bóng đá. “Không thể có chuyện người quản lý thể thao/bóng đá không hoàn thành nhiệm vụ lại được điều chuyển sang công tác ở lĩnh vực khác. Trong bóng đá chuyên nghiệp, khi anh không làm được việc đồng nghĩa với việc anh bị sa thải và bị thay thế bởi người khác xứng đáng hơn, giỏi chuyên môn hơn”, ông Phan Anh Tú cho biết.

TS Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: “Trong xu thế phát triển thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng hiện nay rất cần sự chung tay của các nguồn lực xã hội, trong đó cần đẩy mạnh hình thức đối tác công tư để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất. Trong các hình thức đầu tư đối tác công tư, tôi cho rằng hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) là phù hợp nhất. Việc đẩy mạnh BOT sẽ tạo ra một thị trường lớn để kêu gọi các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đầu tư nhằm nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ các hoạt động bóng đá”.

HOA LƯ - NGUYỄN CÔNG - VỸ THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-viet-nam-nhin-tu-de-an-phat-trien-den-nam-2030-dinh-huong-den-nam-2045-muc-tieu-world-cup-va-hon-the-bai-1-thay-doi-tu-duy-hanh-dong-quyet-liet-838692
Zalo