Bộ Xây dựng chấp thuận cho cảng Gemalink chính thức đón tàu hơn 232.000 DWT
Bộ Xây dựng vừa có văn bản chấp thuận cho Bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5DWT giảm tải.
Chỉ cho tàu lớn vào khi đáp ứng đủ điều kiện
Bộ Xây dựng giao Cục Hàng hải và Đường thủy VN hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư xây dựng triển khai các bước tiếp theo bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định số 58/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, và các quy định có liên quan của pháp luật.

Cục Hàng hải và Đường thủy VN chỉ cho phép Bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT khi đảm bảo các điều kiện phù hợp về luồng hàng hải hiện hữu, điều kiện tự nhiên, khai thác.
Cục có trách nhiệm rà soát, phê duyệt Phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT vào, rời cảng, cũng như chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chỉ cấp phép cho tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT vào, rời bến cảng khi bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng lưu ý, chỉ cho phép Bến cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (cảng Gemalink) tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT khi đảm bảo các điều kiện phù hợp về luồng hàng hải hiện hữu, điều kiện tự nhiên, điều kiện khai thác và các nội dung khác liên quan để đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, các cơ quan, đơn vị có liên quan trọng quá trình tiếp nhận tàu vào bến cảng.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận tàu vào bến cảng nếu xảy ra sự cố. Không yêu cầu Bộ Xây dựng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng tại khu vực.
Nhiều tàu trọng tải trên 200.000 DWT vào làm hàng an toàn
Cảng Gemalink chính thức được Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) chấp thuận khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàu có trọng tải đến 232.494,5DWT giảm tải vào, rời làm hàng từ năm 2023.
Lãnh đạo Cảng cho biết, cảng đã tiếp thị, thuyết phục các hãng tàu thiết lập các tuyến vận tải trực tiếp từ Cái Mép đi Châu Âu, Châu Phi và Mỹ sử dụng các tàu mẹ - Mega Container Ship có trọng tải trên 200.000 DWT. Trong đó, có các liên minh hãng tàu lớn hàng đầu thế giới như Ocean Alliance (CMA, Cosco, Evergreen, OOCL), The Alliance (HapagLloyd, ONE, HMM, Yangming, Maersk).
Sau 2 năm triển khai, từ tháng 3/2023 tính đến ngày 31/5/2025, cảng Gemalink đã đón 1.055 chuyến tàu, trong đó có 70 chuyến tàu container trọng tải lớn trên 200.000DWT đến 232.494,5 DWT giảm tải ra, vào làm hàng an toàn tuyệt đối theo phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt.
"Cảng đã tuân thủ nghiêm chỉnh, thực hiện theo các nội dung trong phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt. Cảng đã nghiêm túc triển khai các ý kiến hướng dẫn của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, phối hợp với bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu, chủ tàu và các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận khai thác các tàu container có trọng tải trên 200.000 DWT vào, rời cảng Gemalink đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và chưa có bất kỳ sự cố hay tai nạn nào xảy ra", lãnh đạo Cảng Gemalink nhấn mạnh.
Liên quan tới công tác an toàn và điều động, để hỗ trợ cho công tác an toàn, cảng đã lắp đặt thiết bị quan trắc gồm 2 thiết bị đo gió, trang bị thiết bị xác định tốc độ, góc cập cầu để hỗ trợ tàu vào cập, rời cảng. Cảng giao thiết bị cho bộ phận trực điều độ cảng thực hiện quan trắc để thông báo cho hoa tiêu dẫn tàu biết khi phát hiện tốc độ tàu cập cầu vượt quá giá trị giới hạn theo yêu cầu của phương án.
Để tăng yếu tố an toàn cho tàu trọng tải lớn điều động cập cảng và giảm nguy cơ tàu bị mất lái/ máy trong quá trình điều động làm mũi hoặc lái tàu va chạm với cầu cảng, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã hướng dẫn, giám sát thuyền trưởng, hoa tiêu dẫn tàu thực hiện giải pháp cập tàu song song, sau đó sử dụng tàu lai công suất lớn (trên 3.000 HP), tính năng cơ động cao (Azimuth) để từ từ đẩy tàu dịch chuyển ngang, vào cập cảng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiết lập nhóm trao đổi thông tin online 24h/24h gồm cảng vụ, hoa tiêu, đơn vị lai dắt cập nhật thông tin làm hàng, công tác chuẩn bị cầu bến, tốc độ gió, hướng gió, điều kiện thủy văn... và các dữ liệu liên quan khác để phối hợp trong điều động tàu cập và rời tàu cho tất cả các tàu tại cảng.
Việc tiếp nhận được tàu lớn vào cảng được đánh giá đã giúp hãng tàu chở được nhiều hàng hơn, chi phí khai thác thấp hơn. Doanh nghiệp cảng có thêm doanh thu, tăng hiệu quả đầu tư. Các khoản thu khác như hoa tiêu, phí hàng hải và hỗ trợ hàng hải cũng thu cao hơn, giúp tăng lợi thế cho các nhà xuấtnhập khẩu của Việt Nam khi hàng hóa có thể xuất trực tiếp tới các nước châu Âu và Mỹ nhanh, tiết kiệm chi phí hơn thay vì phải chuyển tải tại Singapore, Hong Kong như trước đây.