Bộ VHTTDL yêu cầu kiểm tra toàn diện cơ sở lưu trú, điểm đến để tránh bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha) cũng như vụ lật tàu tại Quảng Ninh tối 19/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025.

Ông Phạm Đức Ấn (ngoài cùng bên phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan có mặt trực tiếp tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa có công điện khẩn yêu cầu các sở và đơn vị trực thuộc chủ động triển khai phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, du khách và tài sản ngành quản lý.
Theo đó, công điện gửi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch tại các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.
Nội dung công điện yêu cầu Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch tại các địa phương nêu trên chủ động theo dõi tình hình, diễn biễn của bão, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, đảo, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Phối hợp tổ chức tuyên truyền và di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn; kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; xây dựng phương án ứng phó bão lụt cụ thể, triển khai các biện pháp sơ tán, tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để chủ động quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại địa phương.

Hiện trường vụ lật tàu ở Quảng Ninh.
Nhằm giúp người dân chủ động phòng chống ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, Bộ đề nghị các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin cơ sở cập nhật bản tin dự báo diễn biến của bão từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để thông báo kịp thời cho người dân chủ động phòng chống, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các địa phương nêu trên theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ để triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản do đơn vị quản lý, các hoạt động do đơn vị tổ chức; khuyến cáo công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn.
Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn toàn quốc tổ chức tuyên truyền, phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão, chỉ đạo ứng phó với bão để chính quyền các cấp ở địa phương cùng người dân theo dõi và cập nhật thường xuyên.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đưa các tin bài cảnh báo người dân về nguy cơ diễn ra mưa lũ, sạt lở đất và phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh do lũ, ngập lụt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tàu du lịch bị lật. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chỉ đạo các nhà thầu triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ (nếu có).
Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các địa phương nêu trên tổ chức trực ban, thông tin kịp thời và báo cáo Bộ về tình hình ứng phó với bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của ngành trong và sau bão (nếu có)./.
Chiều 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 biển kiểm soát QN 7105 xuất bến từ Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long tham quan Vịnh Hạ Long (Hạ Long) bất ngờ gặp phải dông lốc và không may bị lật. Thời điểm đó trên tàu có 48 khách người Việt và 5 thuyền viên.
Công tác cứu hộ diễn ra khẩn trương gấp rút. Tính tới 23h ngày 19/7 có 11 người được cứu sống, vớt 34 thi thể, hiện còn 8 người mất tích.
Tới nay, có hơn 20 khách sạn, cơ sở lưu trú tại khu vực Hạ Long sẵn sàng bố trí phòng, mời người thân của các nạn nhân tới nghỉ ngơi hoặc phục vụ bữa ăn miễn phí như: khách sạn Green Suites, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Alacete, khách sạn Hoàng Gia Hạ Long, khách sạn Song Lộc, khách sạn Sài Gòn Hạ Long, InterContinetal Residences HaLong Bay...