Bộ Tư pháp Mỹ lập 'lực lượng đặc nhiệm' điều tra ông Obama

Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Gabbard tố chính quyền Obama dàn dựng thông tin tình báo để hạ bệ ông Trump, đồng thời thông báo mở cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ.

 Thư ký báo chí Karoline Leavitt và Giám đốc Tình báo quốc gia Tulsi Gabbard thông báo về cuộc điều tra giả mạo thông tin tình báo của chính quyền Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 23/7. Ảnh: Reuters.

Thư ký báo chí Karoline Leavitt và Giám đốc Tình báo quốc gia Tulsi Gabbard thông báo về cuộc điều tra giả mạo thông tin tình báo của chính quyền Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 23/7. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi hôm 24/7 thông báo thành lập một “lực lượng đặc nhiệm” nhằm điều tra cáo buộc cho rằng chính quyền Obama từng “giả mạo thông tin tình báo” để dựng nên nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, qua đó gây bất lợi cho ông Donald Trump, Guardian đưa tin.

Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard công bố loạt tài liệu giải mật từ đội ngũ an ninh dưới thời ông Obama. Động thái được xem là nỗ lực xoay trục dư luận trong bối cảnh ông Trump vướng chỉ trích vì những mối liên hệ trong quá khứ với ông trùm ấu dâm đã chết Jeffrey Epstein.

Yêu cầu mở rộng điều tra

Ngay sau tuyên bố của Bộ Tư pháp, hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và John Cornyn - thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ - đã ra thông cáo chung, kêu gọi chỉ định một công tố viên đặc biệt để làm rõ “sự lạm dụng quyền lực nghiêm trọng” từ phía chính quyền Obama.

“Vì lợi ích quốc gia, chúng tôi kêu gọi Bộ trưởng Bondi bổ nhiệm công tố viên đặc biệt để điều tra mức độ chính quyền Obama đã thao túng hệ thống an ninh quốc gia vì mục tiêu chính trị”, hai thượng nghị sĩ viết.

Bà Gabbard cáo buộc ông Obama cùng đội ngũ cấp cao đã dàn dựng một “cuộc đảo chính chính trị kéo dài nhiều năm” nhằm lật đổ ông Trump, bắt đầu từ các cuộc điều tra của FBI đến việc chỉ định công tố viên đặc biệt.

Theo bà, mọi thứ đều dựa trên “thông tin tình báo ngụy tạo” xuất hiện ngay sau chiến thắng của ông Trump trước bà Hillary Clinton năm 2016.

Gabbard thậm chí đề xuất truy tố hình sự cựu Tổng thống Obama. Ông Trump đã nhanh chóng hưởng ứng, gọi các phát hiện là “bằng chứng không thể chối cãi” về tội phản quốc.

Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng, bà Gabbard công bố tài liệu cho rằng mục tiêu thực sự của Nga trong cuộc bầu cử 2016 không phải để giúp ông Trump, mà nhằm phá hoại niềm tin của người dân vào hệ thống bầu cử Mỹ.

 Bà Gabbard công bố tài liệu về việc chính quyền Obama dàn dựng thông tin tình báo để hạ bệ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Reuters.

Bà Gabbard công bố tài liệu về việc chính quyền Obama dàn dựng thông tin tình báo để hạ bệ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Reuters.

Bà Gabbard cho biết báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện năm 2020 cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có ý định giữ lại những thông tin bất lợi nhất với bà Clinton đến sau bầu cử.

Gabbard nói rằng các tài liệu này bao gồm nội dung mô tả bà Clinton có “vấn đề tâm thần nghiêm trọng”, thường xuyên nổi giận, rối loạn cảm xúc, và phải sử dụng thuốc an thần liều cao hàng ngày - những tuyên bố chưa từng được kiểm chứng bởi bất kỳ cơ quan độc lập nào.

Đồng thời, bà cũng cáo buộc cộng đồng tình báo Mỹ cố tình loại bỏ các thông tin trái chiều khỏi báo cáo đánh giá ảnh hưởng của Nga.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra nhiều điểm bất nhất. Báo cáo dài 1.000 trang của Ủy ban Tình báo Thượng viện công bố năm 2020 đã khẳng định rõ: Nga chủ động can thiệp bầu cử 2016 để hỗ trợ ông Trump, bao gồm việc tấn công mạng vào hệ thống của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) và phát tán email nhằm bôi nhọ chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Danh sách dài các quan chức cũ bị nhắm tới

Ngoài ông Obama, nhiều cựu quan chức cấp cao dưới thời ông cũng có thể trở thành mục tiêu điều tra, trong đó có James Clapper (cựu giám đốc Tình báo Quốc gia), John Brennan (cựu giám đốc CIA), James Comey (cựu giám đốc FBI), Andrew McCabe (phó giám đốc FBI), Susan Rice (cựu cố vấn an ninh quốc gia), John Kerry (cựu ngoại trưởng) và Loretta Lynch (cựu Bộ trưởng Tư pháp).

Fox News dẫn nguồn tin cho biết Giám đốc CIA đương nhiệm John Ratcliffe đã từng đề nghị truy tố ông Brennan. Giám đốc FBI Kash Patel cũng được cho là đang điều tra ông Brennan và ông Comey, dù phạm vi điều tra vẫn chưa rõ ràng.

Dù chính quyền Trump thể hiện quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng, giới quan sát nhận định nỗ lực truy tố ông Obama sẽ gặp nhiều trở ngại pháp lý, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ năm ngoái. Theo đó, tổng thống có quyền miễn trừ rộng rãi đối với các hành vi trong nhiệm kỳ.

 Quyền miễn trừ tổng thống sau phán quyết từ vụ kiện của ông Trump năm 2024 trở thành rào cản pháp lý cho nỗ lực truy tố ông Obama. Ảnh: Slate.

Quyền miễn trừ tổng thống sau phán quyết từ vụ kiện của ông Trump năm 2024 trở thành rào cản pháp lý cho nỗ lực truy tố ông Obama. Ảnh: Slate.

Trớ trêu thay, chính ông Trump là người từng được hưởng lợi từ phán quyết này, khi đối mặt với hàng loạt vụ kiện liên quan đến tài liệu mật. Nay, điều đó có thể trở thành “lá chắn pháp lý” cho chính đối thủ mà ông muốn “trả đũa”.

Văn phòng ông Obama hiếm hoi lên tiếng, gọi các cáo buộc là “lố bịch và vô căn cứ”.

Trong khi đó, một số cựu quan chức tình báo Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc chính trị hóa cộng đồng tình báo.

“Chính quyền Trump đang biến cộng đồng tình báo thành công cụ chính trị. Điều này nguy hiểm hơn bao giờ hết,” cựu chuyên gia phân tích CIA Fulton Armstrong viết trong một email.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/bo-tu-phap-my-lap-luc-luong-dac-nhiem-dieu-tra-ong-obama-post1571461.html
Zalo