Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất - kinh doanh, ngân sách nhà nước… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 20 năm

Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp thường kỳ Chính phủ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025. Đây là hội nghị Chính phủ đầu tiên được tổ chức khi giang sơn được sắp xếp lại, các địa phương đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 6 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương (Ảnh VGP).

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 6 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương (Ảnh VGP).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất - kinh doanh, ngân sách nhà nước… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Theo Bộ trưởng, dự báo vào cuối tháng 5, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,67% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt 7,31%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%. Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với dự báo, bám sát với kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP (7,6%).

“Tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam được tiếp tục dự báo sẽ cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Khẳng định xu thế tích cực của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,65% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011.

Trong khi đó, xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 9% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,3%; khách du lịch quốc tế 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Một số chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực khác được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%...

Đặc biệt, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152.7000 doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp).

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng được cải thiện, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định xu hướng tích cực của nền kinh tế (Ảnh VGP)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định xu hướng tích cực của nền kinh tế (Ảnh VGP)

Khẳng định kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả khá toàn diện, tăng trưởng cao, “ngược chiều” với triển vọng suy giảm của kinh tế thế giới, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng, thách thức trong nửa cuối năm 2025 là rất lớn.

“Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, thì 6 tháng cuối năm cần tăng 8,6% so với cùng kỳ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Đối diện với thách thức, quyết liệt cho tăng trưởng nửa cuối năm

Nửa cuối năm phải tăng trưởng cao trong khi xuất khẩu dự báo đối mặt với nhiều rủi ro, đơn hàng giảm, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 chỉ đạt 48,9 điểm; tiêu dùng 6 tháng tuy tăng trưởng tích cực nhưng chưa có đột phá, vẫn thấp hơn mục tiêu của cả năm (12%), chưa trở thành động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; đầu tư tư nhân tuy đã phục hồi nhưng chưa vững chắc; các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do… đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian tạo chuyển biến và đạt kết quả.

“Chúng ta không được chủ quan, thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt, sát sao hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được người đứng đầu ngành Tài chính đề xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một trong những giải pháp được Bộ trưởng nhấn mạnh là khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Đồng thời, theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp…

Các giải pháp khác bao gồm thúc đẩy đàm phán với Mỹ; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước; hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng…

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-tang-truong-kinh-te-dat-ket-qua-cao-nhat-trong-gan-20-nam-d320945.html
Zalo