Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn: Trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, tệ nạn

Phát biểu sau phần chất vấn của các đại biểu 'Quốc hội trẻ em' về chủ đề: 'Phòng, chống bạo lực học đường', Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn truyền thông điệp mạnh mẽ: 'Chúng ta phải thống nhất, khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, không có chỗ cho tệ nạn, và những nguy cơ trước tác hại của thuốc lá, chất kích thích'.

Nghị trường "nóng" với chất vấn, tranh luận

Tại phiên chất vấn, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã đưa ra rất nhiều câu hỏi nóng về bạo lực học đường, với phần lớn câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng GD&ĐT giả định.

Toàn cảnh phiên chất vấn phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024

Toàn cảnh phiên chất vấn phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024

Đại biểu Trần Thị Tuyết My (đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: Tình trạng bạo lực học đường đã diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Gần đây, có một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh và xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết nhận định của Bộ trưởng về thực trạng nêu trên, nếu đúng như vậy xin Bộ trưởng phân tích và làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên?

Các đại biểu Quốc hội trẻ em đặt câu hỏi tại phiên chất vấn.

Các đại biểu Quốc hội trẻ em đặt câu hỏi tại phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh, thống nhất với nhận định của đại biểu Tuyết My, cho rằng tình trạng bạo lực học đường đang rất bức xúc và là vấn đề ngành giáo dục cần tập trung giải quyết triệt để.

"Bộ trưởng" Trần Bình Minh chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, như: một số trường học đội ngũ quản lý hay giáo viên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa học đường, chưa thực sự sâu sát tới học sinh, chưa giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong trường học.

Bên cạnh đó, một bộ phận gia đình chưa thực sự quan tâm đúng mức đến con em mình; sự tác động bởi những thông tin, hình ảnh tiêu cực, bạo lực từ môi trường mạng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh trả lời chất vấn

Sau khi nghe "Bộ trưởng" Minh trả lời, đại biểu Đậu Khắc Gia Bảo (đoàn đại biểu Quảng Trị) đã tranh luận, cho rằng, Bộ trưởng chưa phân tích được hết nguyên nhân bạo lực học đường.

“Theo tôi, có một nguyên nhân rất quan trọng là do học sinh có đặc điểm tâm sinh lý chưa hoàn thiện, dễ thay đổi và dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Nhưng tôi thấy Bộ trưởng chưa đánh giá đúng mức về tác động của tâm sinh lý đến bạo lực học đường, về vấn đề này đề nghị Bộ trưởng phân tích sâu hơn về nguyên nhân và đồng thời có giải pháp tương xứng?”, đại biểu Gia Bảo tranh luận.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định bày tỏ sự đồng tình với nhận định của đại biểu Đậu Khắc Gia Bảo.

“Tôi cũng cho rằng vấn đề tâm lý học đường rất quan trọng. Thực tế, ngành Giáo dục cũng rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để có những giải pháp hỗ trợ học sinh về tâm lý học đường, tuy nhiên việc này chưa được triển khai rộng rãi. Chúng tôi thấy rằng, đây cũng là điểm hạn chế, nên thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tăng cường triển khai và giải quyết kịp thời hơn những vấn đề tâm lý phát sinh của học sinh”, Bộ trưởng giả định Trần Bình Minh nói.

Nghị trường Quốc hội trẻ em nóng với những phần chất vấn và tranh luận của các đại biểu trẻ em

Nghị trường Quốc hội trẻ em nóng với những phần chất vấn và tranh luận của các đại biểu trẻ em

Cũng tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Đỗ Thị Phương Loan (đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên) đặt vấn đề: Hiện nay, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm quá nhiều công việc, có nơi Ban Giám hiệu nhà trường chưa thực sự quan tâm dành nguồn lực, tạo điều kiện cho các hoạt động Đoàn, Đội, dù thấy rằng hiệu quả rất tốt thông qua các phong trào, hoạt động góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hạn chế tình trạng bạo lực học đường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định, cho biết ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp và đang tích cực phối hợp với T.Ư Đoàn và các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp cụ thể.

Trước thông tin trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Trần Nguyễn Nhật Linh (đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT giả định Trần Lê Hà Vy.

“Trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi thấy Bộ trưởng đề cập tới một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường là do tác động tiêu cực của các sản phẩm độc hại trên không gian mạng, rất nhiều sản phẩm phim, ảnh bạo lực tràn lan trên không gian mạng và chưa được kiểm soát hiệu quả. Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng, nếu tình trạng này không kiểm soát được, chúng tôi cho rằng tình trạng bạo lực học được sẽ còn tiếp diễn. Vậy xin Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã thực hiện những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?”, đại biểu Nhật Linh nêu vấn đề.

Bộ trưởng Bộ TT&TT giả định Trần Lê Hà Vy trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ TT&TT giả định Trần Lê Hà Vy trả lời chất vấn

Về nội dung này, "Bộ trưởng" Trần Lê Hà Vy thừa nhận: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, hiệu quả còn chưa đạt được như mong muốn ở một số nơi, một số đối tượng. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và bảo vệ người dùng, đặc biệt là học sinh, trẻ em trên không gian mạng, với mục tiêu giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ không gian mạng lên đời sống xã hội”.

Giáo dục để mỗi học sinh trở thành công dân tốt cho đất nước

Phát biểu sau phần chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trẻ em về chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, bản thân cảm thấy hồi hộp hơn cả hôm trả lời chính thức.

“Tôi rất bồi hồi, xúc động không phải vì sự căng thẳng của vấn đề mà vì không khí, cách bày tỏ, sự tự tin, hiểu biết của các em. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên chất vấn phiên họp giả định Quốc hội trẻ em.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên chất vấn phiên họp giả định Quốc hội trẻ em.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã có sáng kiến tổ chức phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc phát huy quyền tham gia của trẻ em, lắng nghe trẻ em nói.

Theo Bộ trưởng Sơn, Bộ GD&ĐT đang đổi mới theo hướng phát triển toàn diện, làm sao học sinh không chỉ có kiến thức cần thiết mà còn có các năng lực, kỹ năng để trở thành một công dân tốt cho đất nước, trở thành một công dân, một con người sống hạnh phúc, biết sống và biết chia sẻ. Đó là những mục tiêu của sự đổi mới. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, toàn thể người dân, sự đổi mới đã đi được một chặng đường.

Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, những vấn đề nêu ra chất vấn trong phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là có thật, đang xảy ra trong cuộc sống. Đánh giá cao những ý kiến chất vấn, phần trả lời chất vấn trong phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Chúng ta phải thống nhất, khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, không có chỗ cho tệ nạn, và những nguy cơ trước tác hại của thuốc lá, chất kích thích”.

Bộ trưởng cho rằng, các em đã hỏi, trả lời động chạm đến rất nhiều vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, thực tế rất đa dạng; có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hiện nay vẫn còn tình trạng bạo lực học đường.

“Nhưng không khí chung các trường học của chúng ta vẫn đang đổi mới, bầu không khí trong lành, tốt đẹp vẫn ngày ngày đang diễn ra. Để cho môi trường học đường được tốt đẹp, lành mạnh được bảo vệ phát triển lành mạnh, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ bạo lực ra khỏi học đường”, Bộ trưởng Sơn khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên về sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó, người lớn, bao gồm: phụ huynh, người đứng đầu trường học, cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo có lúc, có nơi chưa sát sao.

“Nếu các gia đình không có bạo lực gia đình cũng sẽ góp phần hạn chế rất nhiều bạo lực học đường. Thực tế cho thấy, một tỷ lệ rất lớn các em có hành vi bạo lực với bạn phần lớn là có đời sống gia đình không hạnh phúc. Việc chứng kiến bạo lực gia đình, bố mẹ không hạnh phúc khiến các em tổn hại về tâm sinh lý”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và cho rằng, các thầy, cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần phải tăng cường hơn nữa các kỹ năng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh. Bộ trưởng cho rằng, với một môi trường lớp học đông, thầy cô quá tải công việc thì sự quan tâm đến học sinh vẫn còn những hạn chế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bạo lực học đường cũng xuất hiện yếu tố phi truyền thống, với các biểu hiện: bắt nạt trực tuyến; khủng bố tâm lý, các nhóm học sinh nữ đánh bạn tập thể quay video clip đăng lên mạng. Đây là những hành động rất đáng lên án.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, trong tất cả các bên liên quan để đẩy lùi bạo lực học đường, bản thân các em học sinh đóng vai trò quan trọng nhất. Người cần phải làm nhiều việc nhất không ai khác chính là các em.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn, sau phiên họp quay về với vai trò là người thực hiện, các em triển khai các phần việc để góp phần từng bước đẩy lùi bạo lực học đường, xây dựng trường học hạnh phúc.

“Nếu như các em học tập thật tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ; những người như vậy chắc chắn không thực hành bạo lực người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng tự giải quyết vấn đề của mình, không tham gia vào bạo lực thì bạo lực cũng không có chỗ trong học đường. Nếu các em có kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội, bày tỏ chính kiến của mình thì cũng không có chỗ ảnh hưởng thông tin xấu độc đến với mình. Sự tu dưỡng của bản thân, việc chia sẻ tình yêu thương, thái, các kỹ năng là điều rất quan trọng với các em”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Lưu Trinh - Như Ý

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-truong-giao-duc-nguyen-kim-son-truong-hoc-hanh-phuc-khong-the-co-cho-cho-bao-luc-te-nan-post1677563.tpo
Zalo