Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cần nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đẩy mạnh ký kết FTA, thu hút FDI thúc đẩy xuất khẩu là cần thiết

Sáng 5/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 5/6

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 5/6

Trước đó, cuối giờ chiều 4/6, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn Lạng Sơn chất vấn,nước ta là một trong những quốc gia có độ mở, nền kinh tế tăng rất nhanh và ở mức rất cao. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP tăng từ 81% năm 1990 lên 111% năm 2000 và lên 158% năm 2023.

Ngoài nhiều lợi ích về chính trị, ngoại giao, việc gia tăng các hiệp định thương mại tự do sẽ càng gia tăng độ mở của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng có nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp, chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài.

Xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thông dụng, lao động vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.

Xin Bộ trưởng cho biết từ góc độ thương mại, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào? Chiến lược phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới sẽ ra sao? Làm thế nào để tăng tính chống chịu của nền kinh tế và phát huy thị trường nội địa trên 100 triệu dân của nước ta - đại biểu nêu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ năm 1986 đến nay.

Gần 40 năm qua nhờ thực hiện chủ trương này, cùng với nỗ lực của mình, nước ta đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Rõ ràng, việc đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do, thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu… là bước đi cần thiết.

"Bởi nếu không như vậy, chúng ta không thể có vốn đầu tư lớn, không thể có công nghệ tiên tiến, không thể có kinh nghiệm quản trị và đặc biệt là thị trường để tiêu thụ" - Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với đại biểu rằng nếu kéo dài chủ trương này sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế đất nước. Nói cách khác là phải nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, cũng phải tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và ký kết mới cũng như nâng cấp các hiệp định thương mại tự do đã có ở những thị trường tiềm năng.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, về định hướng tham gia FTA mới có 4 định hướng cơ bản: Thứ nhất, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng là hội nhập kinh tế ngày càng sâu nhưng phải giữ vững định hướng chính trị.

Thứ hai, gắn kết giữa đầu tư, giữa đàm phán, ký kết hiệp định với đẩy mạnh cải cách trong nước, hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm.

Thứ ba, ưu tiên đối tác tiềm năng mang lại lợi ích to lớn, thiết thực để đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do hiện hành khi có điều kiện.

Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đàm phán và ký kết các hiệp định. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của FTA với nền kinh tế và với doanh nghiệp của Việt Nam.

Còn về tiêu chí để lựa chọn đàm phán các hiệp định mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu, có 4 tiêu chí theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một là, phải dựa vào quy mô, tiềm năng của thị trường và ưu tiên các đối tác có tiềm năng tăng trưởng cao cũng như nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế.

Hai là, mức độ cam kết mở cửa thị trường thì phải lưu ý các đối tác cam kết có độ mở lớn như giảm thuế quan, giảm các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Ba là, khả năng hợp tác và hỗ trợ phát triển trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu và đầu tư vốn…

Bốn là, phải dựa vào tầm quan trọng chiến lược của đối tác trong khu vực và thế giới, cả về chính trị, kinh tế để thông qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nội tại

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn Bến Tre nêu, qua nghiên cứu báo cáo số 118 của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang rất khả quan và xu hướng 2024, 2025 cũng sẽ rất tốt, nhất là, thị trường FTA rất rộng. Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp thì thấy còn rất nhiều khó khăn như tỷ giá đồng USD với đồng Euro đang có xu hướng hơi bất lợi; chi phí vận tải biển rất cao.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có xuất khẩu nông sản như chúng ta có đồng tiền đang bị mất giá, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu rất khó khăn. “Xin hỏi Bộ trưởng cùng với Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chế độ, chính sách về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu?” - đại biểu nói.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình với đại biểu về tác động bất lợi của tỷ giá. Một số ngoại tệ mạnh tác động đến xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian vừa qua, nhất là việc nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản liên tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ tăng và giữ lãi suất ở mức cao từ năm 2023 đến nay và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Mặt khác, chi phí logistics tăng cao do xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị cũng gây bất lợi cho xuất nhập khẩu của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá kết hợp với chính sách tài khóa phù hợp, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm qua và đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm rất ngoạn mục.

Trên thực tế, tỷ giá USD ở mức cao, tuy ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu nhưng lại có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu mà Việt Nam xuất khẩu là chủ đạo, cho nên phần nào chúng ta cũng có lợi trong tình huống này.

Tất nhiên, chúng ta hướng tới xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh bền vững chứ không chỉ trông đợi tranh thủ tỷ giá thuận lợi. Do vậy, các giải pháp căn bản phải thực hiện sắp tới đó là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nội tại, có nhiều hàng hóa chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Thứ hai, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tiếp cận thị trường thông qua việc đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán, ký kết và khai mở những thị trường mới và tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, thị trường nước ngoài, cập nhật thông tin để có những phản ánh, phản ứng chính sách phù hợp và có lợi cho Việt Nam.

"Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và tạo điều kiện cho vay thông thoáng hơn, chứ còn chủ trương thì có nhưng điều kiện bó cũng không giải quyết được" - Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Quỳnh Nga - Thanh Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-can-nang-cao-nang-luc-hoi-nhap-cua-nen-kinh-te-324341.html
Zalo