Bố trí trường học cho học sinh sau sáp nhập tỉnh
Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa đang triển khai việc tiếp nhận, bố trí chỗ học cho học sinh (HS) theo cha mẹ công tác tại các địa bàn mới sau sáp nhập tỉnh. Mục tiêu là bảo đảm quyền học tập của HS, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình và không gây gián đoạn hoạt động giáo dục trước thềm năm học mới.
Ông Võ Hoàn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong tháng 6, sở tiếp nhận danh sách 325 HS từ bậc mầm non đến THPT thuộc tỉnh Ninh Thuận cũ theo cha mẹ công tác tại các địa bàn mới sau sáp nhập tỉnh. Dự kiến thời gian tới, tùy theo tình hình thực tế, sở sẽ cập nhật danh sách bổ sung. Thời điểm này, nhiều phụ huynh đang trong thời gian đầu chuyển công tác nên chưa đề xuất trường cần chuyển đến và chưa làm thủ tục nhập học, chuyển trường cho con. Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường ưu tiên tiếp nhận và tạo điều kiện tối đa cho HS có nhu cầu vào học; đồng thời việc bố trí trường học cho các HS phù hợp với cơ quan, đơn vị công tác của bố, mẹ nhằm đảm bảo thuận tiện trong việc đưa đón, chăm sóc con cái trong thời gian đầu chuyển công tác.

Tiết học tại Trường THCS Trưng Vương năm học 2024 - 2025 (phường Nha Trang).
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, có thể sẽ có trường hợp nhiều hồ sơ đổ dồn vào một vài trường. Trong trường hợp trường quá tải, không đủ khả năng tiếp nhận thì cần báo cáo về sở và UBND cấp xã để có giải pháp điều phối HS cho hợp lý. Thực tế những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn thực hiện điều chuyển HS từ trường có số HS đăng ký vượt chỉ tiêu sang trường khác còn thiếu chỉ tiêu, hoặc tăng sĩ số HS/lớp. Đối với công tác tuyển sinh năm nay, cần thực hiện một cách linh hoạt, cung cấp thông tin đầy đủ cho phụ huynh HS và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi học tập của tất cả HS và phù hợp với thực tế từng địa bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách ưu tiên theo vùng đối với những HS đang thụ hưởng ưu tiên theo các quyết định phân vùng hiện hành cho đến khi có quyết định phân vùng mới thay thế. Trong quá trình bàn giao các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước về giáo dục cho UBND cấp xã sau khi kết thúc hoạt động của phòng GD-ĐT cấp huyện, Sở GD-ĐT đã quán triệt không được để gián đoạn, gây xáo trộn các hoạt động giáo dục trên địa bàn và phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp trong bối cảnh áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong quá trình thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh. Ngành GD-ĐT xác định “vướng đâu gỡ đó”, mục tiêu là đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả HS trước khi năm học mới 2025 - 2026 bắt đầu.
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập (do phòng GD-ĐT cấp huyện quản lý trước đây) được chuyển giao cho UBND cấp xã quản lý. Nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực GD-ĐT ở cấp mầm non, tiểu học, THCS được giao cho phòng văn hóa - xã hội tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (thuộc UBND cấp huyện cũ) và các trường THPT công lập do Sở GD-ĐT quản lý.
Về thủ tục nhập học, chuyển trường, được biết, ngành GD-ĐT tỉnh vẫn thực hiện theo các quy định trước đây của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, ở cấp mầm non, phụ huynh HS chỉ cần làm hồ sơ (có đơn xin nhập học) gửi cho trường muốn chuyển đến. Ở cấp tiểu học, THCS và THPT, phụ huynh HS làm đơn xin chuyển trường gửi cho trường muốn chuyển đến. Nếu hiệu trưởng của trường nơi chuyển đến đồng ý tiếp nhận, trường nơi chuyển đi sẽ trả hồ sơ của HS cho phụ huynh để làm thủ tục chuyển trường. Trường hợp là HS đầu cấp thì làm đơn xin nhập học gửi cho trường muốn chuyển đến, nếu hiệu trưởng đồng ý tiếp nhận thì phụ huynh nộp hồ sơ nhập học theo quy định. Riêng đối với HS chuẩn bị vào lớp 10 công lập phải có thêm giấy chứng nhận trúng tuyển ở trường THPT cũ trước khi chuyển đi. Hiện nay, hồ sơ chuyển trường đều được tiếp nhận, giải quyết tại bộ phận một cửa của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (số 8 Hoàng Hoa Thám, phường Nha Trang).