Bổ sung dự trữ quốc gia 'thuốc mồ côi' dùng trong cấp cứu

Từ thực tiễn công tác, ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM), Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu tại nghị trường chiều 26-6 về thuốc hiếm dùng trong cấp cứu.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM), Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM), Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: QUANG PHÚC

Cho biết ngành y tế đang gặp khó khăn trong việc mua sắm, dự trữ các thuốc hiếm dùng trong cấp cứu, ví dụ thuốc giải độc Botulinum, ĐB Tri Thức cho biết, trên thế giới, những loại thuốc chỉ có 1 nhà sản xuất - có thể do giá bán không đảm bảo chi phí lợi nhuận của các công ty dược phẩm - để điều trị các bệnh hiếm gặp gọi là thuốc mồ côi (Orphan Medicines). Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc hiếm theo Thông tư 26/2019/TT-BYT gồm 214 danh mục thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và 229 danh mục thuốc không sẵn có. Tuy nhiên, danh mục này không còn phù hợp vì không thường xuyên được cập nhật.

“Hiện nay, chưa có danh mục thuốc mồ côi dùng trong cấp cứu. Do vậy, Bộ Y tế cần thành lập hội đồng thẩm định, ban hành danh mục thuốc này thay thế cho việc cấp giấy đăng ký lưu hành như những thuốc thông thường khác”, ĐB Thức kiến nghị. Ông cũng đề xuất bổ sung quy định dự trữ quốc gia thuốc hiếm (thuốc mồ côi) dùng trong cấp cứu vào Điều 3 của Luật Dược và giao Bộ Y tế tổ chức mua sắm, dự trữ; đảm bảo tính sẵn có để sử dụng ngay khi có nhu cầu.

 Đại biểu Quốc hội dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Vẫn theo ĐB Nguyễn Tri Thức, thời gian qua việc thiếu các thuốc phóng xạ dùng chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư trên máy PET/CT diễn ra ở hầu hết các bệnh viện không có lò phản ứng sản xuất thuốc phóng xạ. Dự thảo luật quy định các cơ sở khám chữa bệnh được cung cấp thuốc phóng xạ cho cơ sở khám chữa bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế, nhưng thực tế không có thông tư hướng dẫn và Luật Đấu thầu năm 2023 cũng chưa quy định.

Theo ĐB, Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn để các đơn vị có thể mua được thuốc phóng xạ của nhau, tránh thiếu thuốc phóng xạ dùng chẩn đoán cho bệnh nhân, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Cùng mối quan tâm về khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân, nhất là bệnh nhân mắc bệnh ác tính, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu rõ, danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế được ban hành bằng các thông tư, nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành.

 ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

“Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm, Bộ Y tế mới ban hành một thông tư quy định danh mục thuốc mới. Tại mỗi thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít. Trong khi đó, khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính...”, ông Nguyễn Anh Trí phân tích.

Sự chậm trễ này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh. ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị dự thảo luật bổ sung nội dung Bộ Y tế có trách nhiệm cập nhật danh mục thuốc bổ sung hàng năm. Thêm vào đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỷ lệ chi trả hàng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-sung-du-tru-quoc-gia-thuoc-mo-coi-dung-trong-cap-cuu-post746404.html
Zalo