Bỏ qua dấu hiệu đau lưng, người phụ nữ mang trong người cả 'bãi cát sỏi'
Sau ca phẫu thuật, bác sĩ đã lấy ra hàng trăm viên sỏi từ hai quả thận của bệnh nhân nữ, một ca bệnh hiếm gặp khiến ai chứng kiến cũng rùng mình.
Một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, nhưng những gì các bác sĩ tìm thấy sau ca mổ mới thực sự khiến họ choáng váng: Hàng trăm viên sỏi được lấy ra từ hai quả thận, nhiều đến mức được ví như “sỏi ngoài bãi cát”.
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, BSCKI Mai Văn Lực, Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học – Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết ông từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân có tiền sử sỏi thận nhưng không điều trị triệt để. Thay vì đi khám khi có biểu hiện bất thường, bệnh nhân cố chịu đựng những cơn đau trong thời gian dài.
“Đến khi bệnh nhân không thể chịu nổi, mới tới viện. Qua thăm khám, kết quả chụp chiếu cho thấy cả hai quả thận đều chi chít sỏi. Sau phẫu thuật, chúng tôi đã tán và lấy ra được hàng trăm viên sỏi, nhiều tới mức đựng đầy cả khay phẫu thuật. Nhìn khối lượng sỏi đó, tôi không khỏi rùng mình vì sức chịu đựng quá phi thường của bệnh nhân”, bác sĩ Lực kể lại.

Khối lượng sỏi thận nhiều như "sỏi ngoài bãi cát" sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện E. Ảnh BVCC
Theo bác sĩ, sỏi thận là một bệnh lý thường gặp nhưng dễ bị xem nhẹ do tiến triển âm thầm. Khi các triệu chứng rõ rệt như đau quặn, tiểu buốt, sốt hoặc buồn nôn xuất hiện, bệnh thường đã ở giai đoạn nặng.
“Rất nhiều người vì bận rộn hoặc chủ quan mà bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo ban đầu. Nhưng cơ thể con người luôn phát ra tín hiệu cầu cứu khi có vấn đề. Việc phớt lờ những biểu hiện nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe mà còn cả chất lượng sống”, bác sĩ Lực cảnh báo.
Từ chính ca bệnh ám ảnh trên, bác sĩ Lực đưa ra lời khuyên cho người dân nhằm bảo vệ “nhà máy lọc máu” của cơ thể – hai quả thận:
1. Đừng coi thường các dấu hiệu nhỏ
Cảm giác đau vùng thắt lưng (một hoặc hai bên), lan xuống bụng dưới; tiểu buốt, tiểu rắt; nước tiểu đục, có màu hồng hoặc đỏ; sốt, ớn lạnh, buồn nôn, mệt mỏi không rõ nguyên nhân... đều có thể là dấu hiệu của sỏi thận hoặc viêm đường tiết niệu.
2. Uống đủ nước mỗi ngày
Cần duy trì 2–3 lít nước lọc/ngày để giúp thận hoạt động hiệu quả, ngăn ngừa sự hình thành tinh thể sỏi. Có thể bổ sung nước chanh, cam – giàu citrate, giúp ức chế sự kết tinh của khoáng chất trong nước tiểu.
3. Chế độ ăn uống hợp lý
Giảm muối, hạn chế đạm động vật và các thực phẩm chứa nhiều oxalat như rau chân vịt, củ dền, trà đặc, sô-cô-la, các loại hạt... Đồng thời, bổ sung canxi tự nhiên từ thực phẩm như sữa, sữa chua, phô mai, tránh lạm dụng viên uống bổ sung canxi.
4. Vận động đều đặn
Lối sống ít vận động khiến nước tiểu ứ đọng, tạo điều kiện hình thành sỏi. Tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, yoga hoặc các hoạt động thể lực phù hợp sẽ giúp thận hoạt động tốt hơn, cải thiện tuần hoàn và tăng sức đề kháng.
Khám định kỳ: Bí quyết phát hiện sớm
Theo bác sĩ Lực, việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần là cách đơn giản và hiệu quả để phát hiện sớm sỏi thận cũng như nhiều bệnh lý khác.
“Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Đừng để cơ thể mình trở thành 'mảnh đất màu mỡ' cho bệnh tật phát triển chỉ vì sự thiếu hiểu biết hay chủ quan trước những dấu hiệu nhỏ”, bác sĩ nhấn mạnh.