Bộ Nông nghiệp và Môi trường phản hồi về vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý nước thải, rác thải

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành văn bản số 4580BNNMT-MT gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hà Nội, Lâm Đồng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Cà Mau, Gia Lai, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, An Giang về tình trạng ô nhiễm môi trường và việc xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

Bộ ghi nhận ý kiến cử tri về ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các khu đô thị và khu công nghiệp. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai các biện pháp khắc phục, bao gồm hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường giám sát, xử lý vi phạm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với mức phạt cao đối với các hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập các tổ giám sát đặc biệt đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ ô nhiễm cao. Cụ thể, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở chế biến mủ cao su tại các tỉnh Phú Thọ, Gia Lai, Thái Bình. Tập trung xử lý ô nhiễm tại các sông nội thành (Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu), thực hiện các giải pháp thoát nước, lưu thông dòng chảy tại TP Hà Nội. Tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến cao su, xử lý ô nhiễm tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Xử lý ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, bao gồm việc nâng cấp các trạm bơm và xử lý nước thải từ các khu công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên.

Bộ cũng chỉ đạo tăng cường quản lý chất thải rắn, yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, xử lý rác thải và nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại các khu vực đô thị.

Về xử lý nước thải, Bộ đã triển khai các giải pháp cấp bách, đặc biệt là tại các lưu vực sông như sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, và sông Đồng Nai. Các mục tiêu đến cuối năm 2025 bao gồm: 92% Khu công nghiệp và 60% Cụm công nghiệp sẽ có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt chuẩn, 100% các làng nghề có phương án thu gom và xử lý nước thải, 30% nước thải sinh hoạt đô thị và 40% nước thải nông thôn được xử lý.

Bộ sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện các giải pháp, đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố để xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước tại các điểm nóng. Bộ cũng tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư và đô thị.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ nỗ lực cùng các địa phương giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy việc xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước, đặc biệt trong bối cảnh các khu dân cư cũ chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Văn Lang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bo-nong-nghiep-va-moi-truong-phan-hoi-ve-van-de-o-nhiem-moi-truong-va-xu-ly-nuoc-thai-rac-thai-236872.htm
Zalo