Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thường trực Chính phủ phương án đầu tư mở rộng gần 22km đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư Dự án Mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Việc mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp bách. Ảnh: tư liệu

Việc mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp bách. Ảnh: tư liệu

Theo Bộ Giao thông vận tải, so với đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), việc giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện đầu tư dự án sẽ có nhiều ưu điểm.

Cụ thể, sẽ phát huy vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc. Đồng thời, việc giao VEC thực hiện cũng phù hợp với kế hoạch giao tài sản này cho VEC trong thời gian tới, thông qua hình thức tăng vốn điều lệ; không phải sử dụng vốn đầu tư công; thời gian thực hiện ngắn hơn; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới khi đầu tư theo phương thức PPP.

Về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện VEC đã dành tất cả nguồn lực hiện có (hơn 9,4 ngàn tỷ đồng) để hoàn thành Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Do đó, để VEC có vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, cho phép khoanh và lùi trả gốc và lãi (gần 4 ngàn tỷ đồng được Bộ Tài chính đã ứng trả trái phiếu cho VEC) từ giai đoạn 2022-2026 sang giai đoạn 2031-2034.

Về năng lực huy động vốn vay thương mại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Chính phủ phương án bổ sung vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024-2026 là hơn 38 ngàn tỷ đồng.

Trong báo cáo, Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý, trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện đầu tư dự án, theo Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), Thủ tướng Chính phủ có thể cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để giao cho doanh nghiệp nhà nước (VEC) đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Theo phương án được đề xuất, Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành có tổng chiều dài gần 22km. Trong đó, đoạn từ nút giao với đường Vành đai 2 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lên quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.

Đoạn từ nút giao với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đầu tư mở rộng quy mô 10 làn xe theo quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án gần 15 ngàn tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện để phục vụ nhu cầu vận tải giữa Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và Thành phố Hồ Chí Minh khi giai đoạn 1 của Sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/bo-giao-thong-van-tai-bao-cao-thuong-truc-chinh-phu-phuong-an-dau-tu-mo-rong-gan-22km-duong-cao-toc-thanh-pho-ho-chi-minh-long-thanh-dau-giay-f3d2276/
Zalo