Bộ Công Thương và IEA thúc đẩy hợp tác chiến lược về an ninh năng lượng
Bộ Công Thương và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa thống nhất triển khai kế hoạch hợp tác chiến lược về an ninh năng lượng, đặt nền móng cho việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia liên kết của IEA trong thời gian tới.
Chiều ngày 18/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc trực tuyến với ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA.
Cùng tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Bộ như Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi xanh, Vụ Dầu khí và Than, Viện Năng lượng, cùng lãnh đạo các ban chuyên môn của IEA.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chủ trì họp trực tuyến với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Tại buổi họp, hai bên đã rà soát tiến độ triển khai Biên bản ghi nhớ (MoU) đã ký giữa Bộ Công Thương và IEA, đồng thời thống nhất chương trình hợp tác giai đoạn 2025-2026. Theo đó, một loạt hoạt động dự kiến sẽ được triển khai, bao gồm: Tổ chức hội thảo trực tuyến về năng lượng hạt nhân do IEA chủ trì; Tuần lễ Đông Nam Á về hiệu quả năng lượng vào tháng 12/2025; Hội thảo chuyên đề tại Việt Nam về tích hợp năng lượng tái tạo (VRE); Xây dựng báo cáo chuyên sâu của IEA về hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) tại khu vực Đông Nam Á - với trọng tâm là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan; Xây dựng lộ trình an ninh năng lượng ASEAN.
Đặc biệt, tại cuộc họp, IEA bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên lộ trình trở thành quốc gia liên kết của tổ chức. Theo đại diện IEA, các quốc gia liên kết sẽ hợp tác với IEA trên ba trụ cột chính liên quan đến an ninh năng lượng: Thể hiện cam kết chung trong ứng phó khẩn cấp với gián đoạn nguồn cung dầu mỏ thông qua phát triển hệ thống ứng phó hiệu quả; Xây dựng và duy trì dự trữ dầu chiến lược, phối hợp cùng IEA sử dụng khi cần thiết; Tham gia các cuộc tập trận và đánh giá khả năng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp do IEA tổ chức.
Giám đốc IEA, ông Fatih Birol, cho biết tổ chức sẽ sớm cung cấp thông tin chi tiết về tiêu chí và quy trình gia nhập để Bộ Công Thương xem xét triển khai các bước tiếp theo.
Hiện nay, IEA có 13 quốc gia liên kết, trong đó khu vực ASEAN có Indonesia và Singapore là thành viên. Nếu gia nhập, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn với các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, dữ liệu chiến lược và mạng lưới chuyên gia toàn cầu về năng lượng, góp phần nâng cao năng lực điều hành và đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn chuyển dịch xanh.