Bộ Công an nói về vụ bán dầu ăn chăn nuôi cho người
Với vụ án dầu ăn OFOOD, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả với quy mô lớn: 'Đây là việc biến dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Rất nguy hiểm và chưa đánh giá hết được hệ lụy của nó với sức khỏe người tiêu dùng'.
Chiều 3/7, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an thông tin về tháng cao điểm đấu tranh với các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, theo Công điện số 5 và Chỉ thị 13 của Chính phủ.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Bộ đang thực hiện một cách tập trung và đưa hoạt động đấu tranh với các hành vi vi phạm này vào thường xuyên, liên tục. Trong thời gian cao điểm, Bộ Công an đã triển khai khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan các hành vi vi phạm. Đồng thời, xử lý hành chính 944 vụ và 968 đối tượng.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an.
"Qua đây, cũng cho thấy rằng diễn biến của các hành vi vi phạm về sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, vi phạm từ khâu chuẩn bị, thành lập các công ty bình phong, thành lập các pháp nhân ảo, đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ… Đây là một chu trình rất tinh vi, với nhiều biện pháp đối phó với lực lượng chức năng. Tính chất các vụ việc đều rất nguy hiểm", Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản nói.
Với cụ thể vụ việc liên quan đến sữa giả HIUP- đây là vụ án về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Đến thời điểm này, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 hành vi chính: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221 Bộ luật Hình sự) và Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (Điều 193 Bộ luật Hình sự).
Với vụ án dầu ăn OFOOD, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả với quy mô lớn: "Đây là việc biến dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Rất nguy hiểm và chưa đánh giá hết được hệ lụy của nó với sức khỏe người tiêu dùng".
Theo đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng: Đặng Thị Phương - Giám đốc Công ty Nhật Minh Food về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả; Nguyễn Trọng Năng - Điều hành, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Dương về tội Buôn lậu; và Đỗ Thị Ngọc Mai - Người đại diện pháp luật Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước và Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Phước Thành về tội Buôn lậu.
"Cả hai vụ án đều đang trong quá trình điều tra, trên tinh thần tập trung, khẩn trương nhưng cũng phải chặt chẽ, thận trọng, khách quan, đúng bản chất. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những sơ hở, lỗ hổng trong các quy định pháp luật để có kiến nghị trong công tác quản lý Nhà nước", Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.