Black Friday: Vì sao nhiều nơi giảm giá 'sập sàn' vẫn ế?
Black Friday (29/11) là ngày hội mua sắm lớn nhất năm. Các cửa hàng, trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã đồng loạt khởi động chương trình giảm giá, mang lại cơ hội mua sắm với mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên, các cửa hàng vẫn không thực sự sự đông khách.
Khuyến mãi từ cửa hàng đến trực tuyến
Tại nhiều tuyến phố lớn ở Hà Nội như Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Chùa Bộc…và các trung tâm thương mại lớn, không khí “giảm giá” đã bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11. Nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, túi xách… đã tung chiêu hút khách trước ngày hội mua sắm lớn nhất năm từ cả hơn nửa tháng trước. Những tấm pa-nô bắt mắt hay loa rầm rộ kèm theo mức giá siêu ưu đãi được các cửa hàng dùng để thu hút khách hàng.
Chiêu hút khách được nhiều cửa hàng sử dụng nhất chính là các chương trình giảm giá “sập sàn”, nhiều mặt hàng giá giảm sâu đến 80% kèm những chương trình quà tặng hấp dẫn khác. Những thương hiệu lớn đều chạy chương trình khuyến mãi liên tục để hút khách tham quan, mua sắm.
Ghi nhận của PV tại nhiều cửa hàng trên đường Cầu Giấy cho thấy, nhiều sản phẩm ở đây được giảm giá mạnh, thu hút lượng lớn người đến cửa hàng tham quan, mua sắm.
Chị Minh Trang - quản lý một cửa hàng thời trang nữ trên đường Cầu Giấy - chia sẻ: “Black Friday năm nay chúng tôi đã triển khai sớm, giá từ 5-80% với tất cả mặt hàng, có những mặt hàng giảm đến 80% giá niêm yết. Ngoài ra, một số mặt hàng mới về, hot trend mùa đông cũng được giảm giá 5-10%”.
Theo chị Minh Trang, đây là thời gian các cửa hàng dồn lực để bán hàng nên thường có nhiều chương trình khuyến mãi lớn để kích cầu người tiêu dùng. Do Black Friday diễn ra đúng vào đợt gió lạnh đầu mùa nên khách hàng thường có xu hướng tìm mua những sản phẩm quần áo nỉ, áo khoác mùa đông trong tầm giá từ 299.000 - 1.000.000 đồng/sản phẩm.
Không chỉ mặt hàng thời trang mà hàng điện tử cũng “nóng” thông tin giảm giá. Nhiều chuỗi cửa hàng điện máy cũng tung ra chương trình giảm giá đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm điện lạnh, đồ gia dụng.
Dè dặt chốt đơn
Trái với các chương trình khuyến mãi rầm rộ, lượng khách “chốt đơn” vẫn chưa đông như kỳ vọng. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra dè dặt, dành nhiều thời gian khảo sát giá trước khi quyết định mua.
Chị Nguyễn Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy năm nay các cửa hàng giảm giá sản phẩm mùa Black Friday tương đối sâu, người tiêu dùng như tôi cảm thấy hứng thú mua sắm. Tuy nhiên, những sản phẩm giảm giá sâu thường là hàng tồn kho hoặc lỗi thời. Có những món hàng treo biển giảm đến 70% nhưng khi xem kỹ thì mẫu mã, chất lượng không như mong đợi”.
Sự thiếu niềm tin cũng là một rào cản lớn đối với khách hàng. Các thương hiệu uy tín thấp thường bị khách hàng nghi ngờ là chủ cửa hàng đã nâng giá trước khi giảm để tạo cảm giác ưu đãi. “Hàng trôi nổi không có giá niêm yết rõ ràng, nên rất khó kiểm chứng mức giảm giá thực tế,” chị Thanh Thủy, một người tiêu dùng tại Hà Nội nhận xét.
Với các cửa hàng, tạo ra những chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn nhằm kéo khách hàng mua sắm không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Chủ một cửa hàng thời trang nam trên phố Chùa Bộc thừa nhận: “Dù giảm giá hàng hóa liên tục nhưng lượng khách vẫn không tăng. Thị trường khó khăn khiến chúng tôi phải dè dặt trong việc nhập thêm hàng mới về. Những mẫu cực hot được nhiều người hỏi... chúng tôi mới nhập với số lượng vừa phải”.
Xu hướng chi tiêu thay đổi
Kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng hiện nay ưu tiên những sản phẩm thiết yếu hoặc có giá trị sử dụng lâu dài. Các món đồ xa xỉ, mang tính thời thượng ít được quan tâm hơn so với trước.
Chị Nguyễn Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đó chị thường có thói quen thấy hàng giảm giá sâu là mua nhưng sau khi mua về lại không dùng đến. Hiện tại chị đã rèn cho mình thói quen cân nhắc trước khi mua và chỉ mua khi thực sự cần thiết để tiết kiệm.
Sự thay đổi tâm lý mua sắm này đang khá phổ biến và đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp bán lẻ. Thay vì dựa vào chiến lược giảm giá truyền thống, các cửa hàng cần chú trọng hơn đến việc tạo trải nghiệm mua sắm tốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá trị lâu dài cho khách hàng.
Black Friday không chỉ là cơ hội để người tiêu dùng săn hàng giá rẻ mà còn là dịp để họ đánh giá thói quen mua sắm của mình. Nếu tỉnh táo và chọn lọc, người tiêu dùng có thể tận dụng tối đa ưu đãi, tránh mua phải hàng chất lượng thấp.