Bình Thuận: Du lịch xanh chưa được hiện thực hóa

Việc phát triển du lịch xanh ở tỉnh Bình Thuận chỉ mới dừng ở kêu gọi, chưa được hiện thực hóa.

Dù đã xuất hiện một số mô hình, nhưng du lịch xanh ở Bình Thuận còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát

Dù đã xuất hiện một số mô hình, nhưng du lịch xanh ở Bình Thuận còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát

Ngày 6-11, tại TP Phan Thiết, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình “xanh hóa” đến phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Tại tỉnh Bình Thuận, hoạt động du lịch cũng đang được thúc đẩy để nhanh chóng chuyển đổi xanh, tạo động lực để đẩy nhanh tiến trình phát triển toàn diện. Tuy nhiên, dù địa phương đã có chính sách, kêu gọi xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, nhưng tiến độ “xanh hóa” của doanh nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc doanh nghiệp còn chưa được hướng dẫn kỹ càng để có thể xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp.

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận chia sẻ, địa phương có cảnh quan tự nhiên phong phú gắn với biển, đảo, hồ, thác, rừng; nền văn hóa đa dạng, nên có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch xanh.

Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) cũng xác định ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, phát huy văn hóa truyền thống. Trong đó, lấy môi trường biển làm trọng tâm để phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách du.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển du lịch xanh ở địa phương hầu như chỉ được kêu gọi, chưa được hiện thực hóa. Tình trạng môi trường chưa tốt, các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách còn tạm bợ, chưa chuyên nghiệp.

“Do đó, để du lịch xanh phát triển, thời gian tới, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải và rác thải. Đặc biệt, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; dịch vụ xanh như sử dụng năng lượng xanh, giao thông xanh và tiêu dùng xanh”, ông Bùi Thế Nhân thông tin.

TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận định, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi giúp hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nâng cao giá trị văn hóa địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên.

Tuy vậy, tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo liên tục.

 TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo

TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo TS Trần Du Lịch, việc đưa tiêu chuẩn xanh vào cuộc sống đã là khó, “xanh hóa” hoạt động kinh doanh sẽ lại càng khó và càng cần bài bản hơn. Khi chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi thử nghiệm mô hình mới, vận dụng chính sách mới…

"Nếu không có sự nghiên cứu, chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt hại trong hành trình tiến đến mục tiêu xanh hóa. Do đó, lãnh đạo Trung ương, địa phương cần có các quyết sách phù hợp, khuyến khích tinh thần chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp du lịch. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các thương hiệu điểm đến để phát triển du lịch xanh hiệu quả”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

 Du lịch xanh còn gặp nhiều rào cản cần tháo gỡ

Du lịch xanh còn gặp nhiều rào cản cần tháo gỡ

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ ra, trong bối cảnh pháp lý đã có nhiều thay đổi với nhiều luật mới được ban hành và có hiệu lực, việc triển khai các dự án du lịch cũng đi kèm với những thách thức pháp lý phức tạp.

Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 đã có sự công nhận nhất định với bất động sản, công trình về du lịch cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận đất đai khai thác cho lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra trở ngại trong thực thi khi chưa điều chỉnh rõ ràng và chi tiết các quy định liên quan đến đất, công trình, hoạt động đầu tư với dự án du lịch.

“Tiêu chuẩn xanh là tiêu chuẩn nghe quen nhưng lại lạ, dù là xu hướng nhưng “xanh hóa” nói chung và xanh trong du lịch nói riêng lại chưa có một văn bản nào điều chỉnh cụ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro và phát sinh tranh chấp trong thời gian tới. Do đó, khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án quản lý rủi ro, tăng cường hợp tác với các chuyên gia pháp lý, lựa chọn đối tác uy tín và đặc biệt chú trọng đến xây dựng hợp đồng chặt chẽ, bao quát”, ông Châu Việt Bắc nhấn mạnh.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/binh-thuan-du-lich-xanh-chua-duoc-hien-thuc-hoa-post767012.html
Zalo