Bình Định gỡ vướng chương trình mục tiêu quốc gia

Bình Định đang tập trung triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhiều dự án, tiểu dự án mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống người dân.

Công trình bố trí tái định cư thôn 2, xã An Toàn, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định có diện tích hơn 2,1 ha đang được triển khai thi công. Công trình này có vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng giúp người dân vùng cao An Toàn ổn định cuộc sống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo. Chị Đinh Thị Dép ở thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, một người dân được cấp đất ở khu tái định cư này cho biết.

Thi công khu tái định cư thôn 2, xã An Toàn, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định

Thi công khu tái định cư thôn 2, xã An Toàn, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định

“Người dân ở thôn 2, xã An Toàn được bố trí đất ở ai cũng mừng. Thay mặt bà con ở đây, đặc biệt là mấy chị em tách ở riêng thì cũng vui mừng vì sắp được giao đất làm nhà. Mấy hộ không có đất ở và chuẩn bị có nhà và được xã hội quan tâm thì bà con cũng vui mừng hơn”, chị Dép nói.

An Toàn là xã vùng cao của huyện miền núi An Lão với hơn 280 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Ba Na sinh sống. Đời sống của bà con trong xã An Toàn dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi và bảo vệ rừng. Qua khảo sát tại 3 thôn ở xã An Toàn có 39 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn cần được cấp đất làm nhà ở. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện An Lão đã đầu tư xây dựng khu tái định cư thôn 2, xã An Toàn. Khu dân cư này dự kiến bố trí cho 51 hộ dân trên địa bàn xã.

Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão cho biết, thực tế hiện nay chỉ có những hộ dân ở thôn 2, xã An Toàn đồng ý đến nhận đất làm nhà, còn các hộ dân ở các thôn khác không di dời đến.

“Riêng thôn 1 và thôn 3 người ta không chịu tập trung về thôn 2. Người dân cứ bảo thôn nào ở thôn đó. Bây giờ anh em trên này mới gặp khó trong vấn đề giải quyết bài toán này. Mới có một số hộ thôn 1 chạy xuống đây hỏi xin đất nhưng cũng hướng dẫn cho bà con có nhu cầu xuống đây xã đăng ký, xã mới lập phương án. Tình hình điều kiện tập quán của bà con bây giờ rất khó”, ông Vân cho hay.

Tại huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định, việc triển khai xây dựng các công trình thuộc Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm.

Nhà văn hóa thôn M6, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

Nhà văn hóa thôn M6, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định

Cụ thể, Công trình dự án định canh định cư tập trung làng suối Diếp, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh thực hiện từ cuối tháng 9 năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân. Ban đầu, vị trí để xây dựng dự án chưa được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên không thể thực hiện các bước tiếp theo. Ngay sau khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, UBND huyện Vân Canh đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các bước đầu tư. Hiện nay, công trình đang được UBND tỉnh Bình Định thẩm định thiết kế cơ sở và huyện Vân Canh tiến hành song song công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Đến ngày 31/5/2024, huyện Vân Canh mới giải ngân đạt 8,86% kế hoạch vốn năm 2024 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND huyện Vân Canh đã thành lập Tổ công tác của huyện đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết, về quy định hiện nay không còn vướng gì nữa, tuy nhiên việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở cơ sở còn chậm.

“Trước mắt, UBND huyện Vân Canh giao cho các phòng chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn cho các xã, thị trấn, cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, làng, khu phố, trường ban công tác mặt trận - những người trực tiếp triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, chúng tôi cử đi tập huấn các lớp nâng cao nghiệp vụ do Ban Dân tộc tỉnh cũng như các sở ngành của tỉnh tổ chức. Ngoài ra, huyện thành lập tổ kiểm tra đi xuống vừa kiểm tra giám sát, vừa hướng dẫn các xã triển khai thực hiện", ông Việt cho biết thêm.

Hệ thống hạ tầng giúp nâng cao đời sống người dân miền núi tỉnh Bình Định

Hệ thống hạ tầng giúp nâng cao đời sống người dân miền núi tỉnh Bình Định

Tỉnh Bình Định có 22 xã ở 5 huyện đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bước đầu, các dự án hạ tầng thiết yếu đã mang lại hiệu quả.

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết để kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng cán bộ cấp huyện, cấp xã ở miền núi lười nghiên cứu văn bản nên khi triển khia gặp nhiều trử ngại. Theo ông Bùi Tiến Dũng, trách nhiệm của các phòng, ban tham mưu còn hạn chế, cần tổ chức đào tạo hoặc tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ này.

“Dĩ nhiên bây giờ phân cấp rồi, chính quyền hỗ trợ người dân thì không thể cấp tỉnh ôm hết, chủ yếu là các địa phương thôi. Năng lực địa phương cấp xã quá yếu, cấp huyện bao nhiều quá khó gánh vác được, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp phòng quá yếu không đồng nhất được. Để thực hiện nhiệm vụ này, các phòng ban phải tăng cường nắm bắt tình hình, điều chỉnh bổ sung tham mưu cấp ủy về chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Dũng bày tỏ.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/binh-dinh-go-vuong-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post1102547.vov
Zalo