Bình Định: Đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng có giá trị gia tăng cao

Đến nay tỉnh Bình Định có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang sơ chế, gia công, tinh chế.

Nhiều thế mạnh để phát triển xuất khẩu và thương mại

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, Bình Định là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao thương với khu vực và quốc tế: nằm ở Trung tâm của trục Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Tỉnh Bình Định có lợi thế về kết nối giao thông qua các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19B và QL 19C, tuyến đường sắt Bắc Nam và Cảng hàng không Phù Cát, hệ thống các Cảng biển tại Quy Nhơn, tạo điều kiện cho giao thương phát triển kinh tế của địa phương đến với các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định.

Bình Định có thế mạnh để phát triển xuất khẩu và thương mại từ vị trí địa lý, địa hình thuận lợi, có đủ 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển) tạo điều kiện để Bình Định khai thác các thế mạnh về tiềm năng lao động, đất đai, các nguồn tài nguyên cho việc phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường tiêu - thụ sản phẩm, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, giao thương với các tình trong nước và quốc tế; có nhiều công trình đầu mối hạ tầng quốc gia đã, đang và sẽ được xây dựng như: các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, cảng biển, đường hàng không, sân bay Phù Cát... Đây là những điều kiện thuận lợi giúp Bình Định phát triển thương mại”, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định thông tin.

Theo ông Ngô Văn Tổng, các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Bình Định là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm wicker, nông sản, thủy sản, hàng may mặc,... chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 8,014 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 5,874 tỷ USD, riêng ngành gỗ năm 2024 xuất khẩu đạt 1,055 tỷ USD, lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD.

Đến nay tỉnh Bình Định đã có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục. Kim ngạch xuất khẩu các năm đều tăng, năm sau tăng hơn so với năm trước. Quy mô sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp được đầu tư mở rộng. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang sơ chế, gia công, tinh chế.

Các mặt hàng qua gia công, chế biến, chế tạo thế mạnh của tỉnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nông sản, hải sản, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây... chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phù hợp với xu hướng phát triển chung và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như gỗ, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, hàng hải sản,... có thị trường mới và khai thác khá tốt những thị trường đang có, thị trường trực tiếp phát triển, tạo lập được những thị trường mới phù hợp với năng lực của nền kinh tế địa phương và được duy trì khá ổn định.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bình Định ước đạt trên 1,6 tỷ USD, trên địa bàn tỉnh có gần 250 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, hàng hóa đã xuất khẩu trực tiếp sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục”, ông Tổng thông tin thêm.

Bình Định có nhiều thế mạnh để phát triển xuất khẩu và thương mại từ vị trí địa lý, địa hình, hạ tầng... Ảnh: Dũng Nhân

Bình Định có nhiều thế mạnh để phát triển xuất khẩu và thương mại từ vị trí địa lý, địa hình, hạ tầng... Ảnh: Dũng Nhân

Tập trung triển khai nhiều giải pháp

Trên cơ sở dự báo xu hướng thương mại thế giới trong thời gian đến bị tác động bởi các yếu tố, để hỗ trợ xuất khẩu, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định Ngô Văn Tổng cho biết đơn vị sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp.

Theo đó, Bình Định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, giảm dần tỷ trọng hàng thô, sơ chế. Các mặt hàng xuất khẩu cần được nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTA thế hệ mới, chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng và kênh phân phối ở nước ngoài.

Bình Định tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trưởng, bên cạnh các thị trường truyền thống, cần tiếp tục tìm kiến thị trường mới; phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng của địa phương, Hội doanh nhân, doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng của tỉnh liên kết với các Hiệp hội của Trung ương để được hỗ trợ và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia; vận động doanh nghiệp tham gia vào các Cổng thông tin thương mại điện tử Quốc gia, các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp biết.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Phát triển đa dạng cả phương thức xuất khẩu chính ngạch truyền thống và phương thức xuất khẩu hiện đại. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng như: gỗ, thủy sản, may mặc, bàn ghế nhựa giải mây, Đá granit, hàng nông sản,... Tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA và thị trường của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế do các FTA mang lại.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/binh-dinh--day-manh-xuat-khau-mat-hang-co-gia-tri-gia-tang-cao-130270.htm
Zalo