Bình đẳng giới để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 nói chung, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển chung ở tỉnh Lâm Đồng trước đây. Và đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập.

Việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới sẽ góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập

Việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới sẽ góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập

Trước sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng có 25,54% dân số là người DTTS với 47 dân tộc anh em sinh sống. Xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện bình đẳng giới đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh) là đơn vị được UBND tỉnh Lâm Đồng giao chủ trì tổ chức truyền thông, phổ biến, giáo dục vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, nhiệm vụ quan trọng này đã được Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh thực hiện lồng ghép với các Đề án khác để thực hiện tuyên truyền cho bà con vùng DTTS như: Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Đề án hỗ trợ hoạt động thông tin, tuyên truyền về DTTS; Đề án đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2018-2021…

Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh thông tin: Giai đoạn 2021-2025, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành 360 cuốn sổ tay tuyên truyền cấp phát cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã và cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền liên quan đến hoạt động bình đẳng giới tại các địa phương vùng DTTS; in ấn và phát hành 43.000 tờ rơi tuyên truyền phát cho cán bộ và người dân tại các xã vùng DTTS. Ngoài tài liệu sử dụng tiếng phổ thông, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để dịch tài liệu sang tiếng K’Ho để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đặc biệt, phương thức truyền thông được thực hiện linh hoạt theo hướng trực tiếp tại cơ sở, tăng cường sử dụng tiếng dân tộc, sân khấu hóa phù hợp với đặc thù văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tích. Đáng lưu ý, việc tuyên truyền còn được đẩy mạnh thực hiện thông qua đội ngũ người có uy tín - cầu nối vững chắc đi sâu vào đời sống của các cộng đồng người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Cil Bri - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, trong những năm qua, 100% người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. Từ đó vai trò, trách nhiệm của người uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới trong vùng DTTS ngày càng được phát huy. Thông qua người uy tín, vai trò, vị trí của phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tại một số trường phổ thông dân tộc nội trú - cái nôi đang nuôi dưỡng những tri thức của vùng đồng bào DTTS công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Cụ thể, với nội dung trọng tâm là “Nam, nữ bình đẳng, không bạo lực học đường”, từ năm 2022 đến năm 2024, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng mô hình tại các trường gồm: Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THPT tỉnh Lâm Đồng; Phổ thông DTNT THCS và THPT liên huyện phía Nam và các trường phổ thông DTNT THCS ở các huyện còn lại trong tỉnh. Thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của việc xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp, hỗ trợ thiết thực, giải quyết các vấn đề cấp bách tại cộng đồng. Bởi vậy, ngoài các mô hình tại các trường dân tộc nội trú trên, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng các mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng, “Địa chỉ an toàn”. Tiêu biểu như phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập 72 tổ truyền thông cộng đồng, 29 địa chỉ tin cậy... trên toàn tỉnh để hỗ trợ phụ nữ người đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế.

Phụ nữ người DTTS đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội

Phụ nữ người DTTS đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có được nhiều kết quả khả quan. Số liệu thống kê từ Sở Nội vụ tỉnh đến tháng 10/2024 cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 3.297 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 10,74%, trong đó nữ có 2.151 người, chiếm tỷ lệ 65,24%. Không chỉ là lực lượng đông đảo trong hệ thống chính trị, phụ nữ người DTTS còn là điển hình trong phát triển kinh tế. Và phụ nữ người DTTS đang tiếp tục nỗ lực, vươn lên và đạt nhiều thành tích cao trong nhiều lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 5,47%, thu nhập bình quân ước đạt trên 50 triệu đồng/người là minh chứng sống động cho điều đó.

Hành trình đạt được bình đẳng giới, nhất là trong vùng đồng bào DTTS còn rất dài và nhiều thách thức phía trước. Đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Lâm Đồng mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông. Tỷ lệ dân số là người DTTS và số lượng các dân tộc anh em cùng chúng sống trên tỉnh Lâm Đồng mới cũng tăng lên. Đây là một trong những nguồn lực nội sinh của tỉnh Lâm Đồng mới. Và việc phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, trong đó có vấn đề bình đẳng giới sẽ góp phần tạo ổn định và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202506/binh-dang-gioi-de-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-5910929/
Zalo