Binh chủng Pháo binh: Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với phương án chiến đấu
Sáng 11-12, Binh chủng Pháo binh tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu năm 2024.
Dự hội nghị có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo Binh; Đại tá Bùi Ngọc Tuyên, Chính ủy Binh chủng Pháo binh.
Đại tá Trần Đình Mạnh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh chủ trì hội nghị.
Năm 2024, Binh chủng Pháo binh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường triển khai làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện. Hệ thống văn kiện huấn luyện các cấp được xây dựng, kiểm tra, chỉnh sửa thống nhất, đúng hướng dẫn Điều lệ công tác tham mưu huấn luyện chiến đấu. Nền nếp chế độ huấn luyện được duy trì chặt chẽ, nghiêm túc. Chất lượng huấn luyện có nhiều chuyển biến, tiến bộ, đi vào thực chất.
Các đơn vị huấn luyện các nội dung chuyên ngành theo đúng chương trình huấn luyện cơ bản; chú trọng huấn luyện thực hành, thao tác trên trang bị, kết hợp huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật. Bộ đội làm chủ, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, khí tài được biên chế; kết quả kiểm tra kỹ thuật chuyên ngành, Binh chủng đều đạt khá, giỏi; các đơn vị duy trì nghiêm chế độ hợp luyện trung đội, đại đội; kiểm tra hợp luyện đại đội ban ngày và ban đêm, góp phần nâng cao trình độ hợp luyện của người chỉ huy và phân đội.
Công tác huấn luyện chiến thuật pháo binh được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc; huấn luyện cơ bản từ chiến thuật khẩu (tiểu) đội đến cấp tiểu đoàn, ở cả hai hình thức (tiến công, phòng ngự), nâng cao huấn luyện di chuyển, dịch chuyển, huấn luyện cường độ cao; đặc biệt, các lữ đoàn pháo binh-tên lửa kiểm tra diễn tập chiến thuật đại đội, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp tiểu đoàn, bảo đảm an toàn, kết quả đạt khá.
Phát biểu chỉ đạo, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 368 của Đảng ủy Binh chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo, trọng tâm thực hiện tốt đổi mới 4 nội dung cơ bản trong huấn luyện (đổi mới tư duy, nhận thức về công tác huấn luyện; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý huấn luyện; đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện; đổi mới công tác bảo đảm huấn luyện), tạo bước chuyển biến mới về chất lượng huấn luyện.
Các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng, năng lực tham mưu đề xuất, đổi mới công tác huấn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và cách đánh của pháo binh; coi trọng huấn luyện thực hành, khai thác sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị có trong biên chế, nhất là các loại vũ khí, trang bị mới. Chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, di chuyển, dịch chuyển, phòng tránh vũ khí công nghệ cao của địch; tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, đưa bộ đội tiếp cận sát với thực tế chiến đấu và rèn luyện thể lực cho bộ đội.
Công tác giáo dục - đào tạo cần coi trọng việc bổ sung, cập nhật kiến thức mới và sự phát triển của thực tiễn, bảo đảm phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, theo phương châm “lý luận nhà trường gắn liền với thực tiễn đơn vị”; tiếp tục xác định “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về trình độ, năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm, ngoại ngữ, tin học; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học.