Biến thách thức thành cơ hội lớn!

Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, TP.HCM dự kiến có hơn 11.000 người thuộc diện dôi dư, bao gồm hơn 5.400 cán bộ, công chức, viên chức và khoảng 5.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, TP.HCM dự kiến có hơn 11.000 người thuộc diện dôi dư, bao gồm hơn 5.400 cán bộ, công chức, viên chức và khoảng 5.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Nhìn từ góc độ phát triển, đây là nguồn lực quý, giàu tiềm năng nếu biết tổ chức, khai thác hợp lý sẽ góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao chất lượng lao động của TP.

Trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68, đặc biệt là mục tiêu hình thành siêu đô thị tài chính - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á, nhóm lao động dôi dư hoàn toàn có thể được tái đào tạo, tái cấu trúc để trở thành lực lượng bổ sung chất lượng cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần nhân sự am hiểu pháp lý, quản trị dự án, vận hành nội bộ và phối hợp với chính quyền.

Chính quyền TP đã có những bước đi cụ thể. UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm, hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội và cho vay vốn khởi nghiệp dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và người lao động (NLĐ) dôi dư sau sắp xếp bộ máy.

Cụ thể, theo khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ, có 231 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có nhu cầu được hỗ trợ vốn để tự sản xuất, kinh doanh; 163 người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, 2.301 người có nhu cầu hỗ trợ nghề và 3.788 người muốn được giới thiệu việc làm mới.

Với nhu cầu này, đề án đề xuất triển khai các chính sách thiết thực như hỗ trợ đào tạo nghề 2-6 triệu đồng/người/khóa, nhóm đặc thù được hỗ trợ tối đa 12 tháng lương cơ bản cùng tiền ăn, tiền đi lại; hỗ trợ vay vốn tín chấp tối đa 300 triệu đồng/người, lãi suất chỉ 6,6%/năm, năm năm đầu được hỗ trợ 100% lãi suất từ ngân sách TP.

Bên cạnh đó, đề án cũng hỗ trợ vay mua, thuê mua nhà ở xã hội với hạn mức tối đa 70% giá trị căn hộ, không vượt quá 900 triệu đồng/hồ sơ, lãi suất hiện khoảng 3,2%/năm, thời hạn vay đến 20 năm…

Những chính sách này là điều kiện cần để đồng hành cùng NLĐ sau tái cấu trúc bộ máy. Tuy nhiên, điều kiện đủ là sự chủ động của chính mỗi NLĐ. TP trong kỷ nguyên mới đang rất cần những NLĐ dám thích nghi, dám nắm bắt cơ hội để làm mới mình.

Bởi hơn ai hết, chính những cán bộ từng vận hành trong bộ máy hành chính lại là lực lượng hiểu rõ nhất cách thức phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền, là mắt xích cần thiết trong hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh đang chuyển mình mạnh mẽ. Nếu được tái đào tạo, kết nối đúng ớng, họ sẽ trở thành nguồn bổ sung nhân lực chất lượng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho toàn TP.

Do đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận nguồn nhân lực dôi dư, mạnh dạn mở rộng tuyển dụng, đồng thời tích cực tham gia các chương trình đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, tái cấu trúc nhân sự. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Tầm nhìn phát triển TP.HCM giai đoạn 2025-2030 không cho phép lãng phí bất kỳ nguồn lực nào, nhất là nguồn lực con người. Việc các cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phối hợp đẩy mạnh kết nối, giới thiệu việc làm, hỗ trợ chuyển đổi kỹ năng cho nhóm lao động dôi dư là cần thiết. Cấp thiết hơn, mỗi NLĐ cũng phải là chủ thể của sự thay đổi, biến thử thách của chính mình thành cơ hội cho chính mình và cho sự phát triển chung của TP.

LÊ DUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-lon-post858465.html
Zalo