Biển mang người đi, biển trả nước mắt về

Ngày 19-7, một buổi chiều giữa mùa hè tưởng như bình thường. Hàng chục con người lên tàu Vịnh Xanh 58 với những tấm vé du lịch để khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long. Nhưng không ai ngờ, với nhiều người đó lại là chuyến đi không khứ hồi.

Một hành trình không bao giờ trở lại. Tấm ảnh tang lễ của 3 cha con trong một gia đình ở Bắc Ninh khiến người ta nghẹn lại. Nó không đơn thuần là một bức ảnh, mà là hình ảnh ám ảnh về một tai nạn tưởng chừng không thể xảy ra giữa vùng biển vốn yên bình.

Không còn là phép màu. Không còn là hy vọng. Biển khơi đã nhấn chìm 35 sinh mạng, cướp đi những gia đình từng trọn vẹn. Ở nhà tang lễ Bệnh viện Bãi Cháy hôm qua, không khí u ám bao trùm, những tiếng khóc nghẹn gọi chồng, gọi cha, gọi cháu, gọi con... Có người mẹ thoát khỏi tử thần, nhưng bạn bè vẫn chưa dám nói sự thật về chồng con của chị. Những câu chuyện từ những người sống sót khiến trái tim người nghe thắt lại: bầu trời đang nắng bỗng chuyển tối sầm, gió lốc giật mạnh, sóng dữ dội. Biển dữ quá, cơn dông lốc ập đến quá nhanh khiến trời mù mịt. “Tôi chỉ cảm thấy tàu rung lắc vài giây rồi nghiêng, lật úp xuống biển”, một nạn nhân thoát nạn thuật lại.

Cũng tối 19-7, ở vùng biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), một tàu du lịch chở 34 người đi câu mực gặp dông lốc tương tự, khi cách bờ chưa đầy một cây số. Tín hiệu cấp cứu được phát đi đúng lúc và lực lượng cứu hộ phản ứng nhanh nên tất cả hành khách và thuyền viên được cứu sống kịp thời.

Sự tương phản ấy càng xát muối vào nỗi đau. Nó đặt ra muôn vàn câu hỏi: Nếu tàu quay đầu khi thời tiết bất thường? Nếu mọi người đều được trang bị và sử dụng phao cứu hộ? Nếu cảnh báo dông lốc chính xác và kịp thời… liệu bi kịch ấy có tránh được?

Tai nạn sẽ không còn là “thiên tai bất khả kháng” nếu sự chủ quan, thiếu chuẩn bị vẫn tồn tại. Mỗi mùa mưa bão, Chính phủ và các đơn vị chức năng đều sớm ban hành các công điện chỉ đạo quyết liệt về ứng phó với bão lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho du khách và người dân tại các khu vực ven biển, đảo... Các địa phương được yêu cầu rà soát kỹ lưỡng cơ sở du lịch, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn và sẵn sàng sơ tán du khách đến nơi an toàn.

Các cơ quan báo chí cũng được chỉ đạo cập nhật liên tục thông tin dự báo để cảnh báo người dân và du khách về nguy cơ thiên tai. Đây không chỉ là mệnh lệnh hành chính, mà là hồi chuông cảnh báo: Hậu quả sẽ gấp bội nếu chúng ta chủ quan, thờ ơ hay trì hoãn... Dông lốc đã qua, nhưng bão số 3 đang đến gần. Đừng để thêm một chuyến đi nào trở thành chuyến đi một chiều, không có ngày về.

THU HÀ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bien-mang-nguoi-di-bien-tra-nuoc-mat-ve-post804652.html
Zalo