Biến đổi khí hậu thúc đẩy cháy rừng ở châu Âu

Những đám cháy rừng đã thiêu rụi các điểm nóng ở một số quốc gia Địa Trung Hải trong tháng này, khi các đám cháy buộc hàng nghìn người phải di dời ở Catalonia, Tây Ban Nha và lan sang thành phố lớn thứ hai của Pháp là Marseille.

Bùng phát trên diện rộng

Theo Hệ thống Thông tin Cháy rừng châu Âu (EFFIS) của Liên minh châu Âu, cháy rừng đã thiêu rụi 227.000 ha đất kể từ đầu năm - gấp đôi mức trung bình vào thời điểm này trong 2 thập niên qua. Mặc dù cao hơn nhiều so với mức trung bình, nhưng đây không phải là mức cao nhất trong số các ghi nhận của EFFIS, có từ năm 2002. Châu Âu đã trải qua những vụ cháy rừng đặc biệt tồi tệ vào năm 2003 và 2017, khi các đám cháy thiêu rụi hơn 1,1 triệu héc ta mỗi năm - một diện tích tương đương với đảo Jamaica.

Một lính cứu hỏa ứng phó với đám cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một lính cứu hỏa ứng phó với đám cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện vẫn chưa rõ liệu năm 2025 có phải là năm kỷ lục hay không, vì điều này còn tùy thuộc vào diễn biến của mùa cháy rừng trong những tháng tới. Theo EFFIS, số vụ cháy rừng ở châu Âu cũng đã tăng vọt trong năm nay, với 1.118 vụ cháy được phát hiện tính đến ngày 8/7, so với 716 vụ trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), các đợt nắng nóng ở châu Âu hồi đầu tháng này đã làm bùng phát các đám cháy khắp Địa Trung Hải, trong đó có cả ở Syria - nơi các đám cháy đã thiêu rụi hơn 3% diện tích rừng của đất nước. Tại các đảo Evia và Crete của Hy Lạp, các vụ cháy rừng trong tháng này đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán và dời bỏ nhà cửa.

Mặc dù nhìn chung châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng cháy rằng trong năm nay, nhưng các nhà khoa học cho biết, các vụ cháy ở khu vực Địa Trung Hải dù có sức tàn phá nhưng cho đến nay vẫn tương đối biệt lập.

Các nhà khoa học cho biết, mùa hè nóng hơn và khô hơn ở khu vực Địa Trung Hải khiến khu vực này có nguy cơ cháy rừng cao. Một khi cháy rừng bùng phát, thảm thực vật khô cằn và gió mạnh trong khu vực có thể khiến chúng lan nhanh và cháy ngoài tầm kiểm soát.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm nguy cơ này bằng cách tạo ra các điều kiện nền nóng hơn và khô hơn. Tại các quốc gia giáp biển Địa Trung Hải, điều này đã góp phần khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn trong những năm gần đây, phá vỡ kỷ lục về cường độ cháy rừng và thiêu rụi nhiều đất hơn.

Khí thải nhà kính, chủ yếu từ việc đốt than, dầu và khí đốt, đã làm nóng hành tinh khoảng 1,3 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, châu Âu đã ấm lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.

Mức nhiệt độ cơ sở ấm hơn đó đồng nghĩa với việc nhiệt độ có thể cao hơn trong các đợt nắng nóng, biến đổi khí hậu cũng đang khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn. Điều này đã được xác nhận bởi một nhóm các nhà khoa học khí hậu toàn cầu từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ.

Phần còn lại của mùa hè

Các quốc gia đang chuẩn bị cho những đám cháy tồi tệ hơn. Theo EFFIS, nhiệt độ ấm hơn mức trung bình được dự báo trên khắp châu Âu vào tháng 8, đồng nghĩa với việc nguy cơ cháy rừng sẽ vẫn ở mức cao trên phần lớn miền Nam và miền Đông châu Âu.

Trong khi Nam Âu dự kiến sẽ có lượng mưa bình thường, phần còn lại của lục địa dự kiến sẽ khô hạn hơn bình thường vào tháng 8, điều này có khả năng làm trầm trọng thêm nguy cơ cháy rừng ở các khu vực khác. Các chính phủ đang nỗ lực thích ứng. Chính phủ Hy Lạp cho biết, nước này đã huy động 18.000 lính cứu hỏa - con số kỷ lục trong năm nay - để ứng phó với các vụ cháy rừng nghiêm trọng, điều chỉnh các chiến thuật và hoạt động tuần tra chữa cháy để cố gắng phát hiện cháy sớm hơn và hạn chế thiệt hại.

Một yếu tố khác làm trầm trọng thêm nguy cơ cháy rừng đó là việc quản lý rừng. Dân số giảm sút ở các vùng nông thôn của các quốc gia - trong đó có Tây Ban Nha - do người dân di cư đến các thành phố, khiến lực lượng lao động phải dọn dẹp thảm thực vật và tránh làm nhiên liệu cho các vụ cháy rừng.

LHQ đã kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, thay vì chỉ tập trung vào ứng phó sau khi cháy rừng bùng phát và cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng các vụ cháy rừng cực đoan trên toàn cầu lên tới 14% vào cuối thập niên này.

Theo LHQ, một trong những giải pháp có thể áp dụng để phòng, chống cháy rừng là tạo ra những đám cháy có thể kiểm soát được nhằm mô phỏng lại các đám cháy cường độ thấp trong vòng tuần hoàn hệ sinh thái, hay tạo nên những khoảng trống trong rừng nhằm ngăn chặn đám cháy lan nhanh. Nhưng các nhà khoa học đều đồng tình rằng, nếu không cắt giảm khí thải nhà kính, các vấn đề biến đổi khí hậu, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn.

Việc quản lý rừng và nguồn phát lửa cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Tổng hợp dữ liệu của Liên minh châu Âu cho thấy, hơn 9 trên 10 vụ cháy ở châu lục này xảy ra do những hoạt động đốt phá, các khay nướng dùng một lần, dây điện hoặc mảnh thủy tinh bị vứt bừa bãi.

Nhà khoa học Mark Parrington tại chương trình Copernicus (thành phần quan sát Trái đất của Chương trình Không gian Liên minh châu Âu) chia sẻ, biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng khô nóng, làm lửa lan nhanh, cháy lâu và mạnh mẽ hơn. Ở Địa Trung Hải, sự biến đổi này đã khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm và thiêu đốt nhiều vùng đất liền hơn. Thời tiết nóng cũng rút hết độ ẩm từ thảm thực vật, đồng thời biến chúng thành nguyên liệu khô giúp đám cháy lan rộng.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bien-doi-khi-hau-thuc-day-chay-rung-o-chau-au-10310593.html
Zalo