Biến đổi khí hậu: Ngành nuôi cá hồi Scotland thiệt hại nặng nề

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nuôi cá hồi tại vùng Scotland của Anh, vốn có giá trị hơn 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD).

Một con cá hồi ở một trang trại Scotland. Ảnh minh họa: theguardian.com

Một con cá hồi ở một trang trại Scotland. Ảnh minh họa: theguardian.com

Theo phóng viên TTXVN tại London, cá hồi là mặt hàng thực phẩm xuất khẩu lớn nhất của Anh, vượt xa phô mai cheddar và thịt cừu vào năm 2023, phần lớn được nuôi tại các trang trại thuộc bờ biển phía Tây của Scotland. Cá hồi Scotland được ưa chuộng trên khắp thế giới, từ Hàn Quốc tới Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan thanh tra y tế nghề cá Scotland, ngành nuôi cá hồi tại Anh đang đối mặt với thách thức lớn trong bối cảnh các trang trại nuôi cá nước mặn ghi nhận số lượng cá hồi chết tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong năm 2022 và 2023, số lượng cá chết ngoài khơi lên tới hơn 10 triệu con mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của 6 năm trước. Nếu tính cả các trang trại nuôi cá nước ngọt, con số này còn cao hơn. Chỉ riêng một trại cá gần đảo Colonsay đã ghi nhận hơn 200.000 con cá chết trong một tuần vào mùa Thu năm ngoái.

Theo số liệu của Hiệp hội cá hồi Scotland (Salmon Scotland), tỷ lệ cá chết đã tăng gấp đôi từ 1,18% lên 2,35% trong giai đoạn 2018-2023. Đầu tháng này, chính quyền Scotland bắt đầu đánh giá tiến độ giải quyết vấn đề sức khỏe cá và tỷ lệ cá chết gia tăng trong ngành nuôi cá hồi.

Nông dân nuôi cá hồi ở Scotland không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng do tình trạng cá chết gia tăng. Theo nhà nghiên cứu Gerald Singh tại Đại học Victoria (Canada), các nhà sản xuất lớn, gồm Na Uy, Canada, Anh, Chile, Australia, New Zealand, nơi sản xuất hơn 92% tổng sản lượng cá hồi nuôi của thế giới vào năm 2021, đều đối mặt với tình trạng cá chết hàng loạt gia tăng, cả về tần suất và quy mô. Đặc biệt, tại Na Uy, Canada và Anh, tỷ lệ cá chết tăng cao nhất và liên tục trong vòng 10 năm qua.

Theo các chuyên gia trong ngành, tình trạng cá chết một phần là do đại dương ấm lên. Theo ông Iain Berrill tại Hiệp hội cá hồi Salmon Scotland, nhiệt độ cao có thể thúc đẩy sự phát triển của tảo, sứa và một số loại sinh vật phù du, từ đó làm hỏng mang cá và gây các bệnh nghiêm trọng khiến cá chết. Tình trạng nuôi quá tải cũng làm lây lan rận biển và lây nhiễm virus. Kết hợp hai yếu tố này dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng đó đã làm tăng chi phí, khiến nhiều công ty và trang trại cá hồi thua lỗ, ngay cả công ty Scottish Sea Farms có hơn 20 năm hoạt động trong ngành. Năm 2023, công ty Mowi (Na Uy) phải chi khoảng 20 triệu bảng Anh (25,3 triệu USD) để xử lý tình trạng cá chết ở Scotland.

Những người nuôi cá hồi đang thử nghiệm nhiều giải pháp, gồm việc xây dựng các khu vực nuôi cá ngoài khơi. Vùng nước sâu hơn, mát hơn và dòng chảy mạnh hơn ở xa bờ có thể tạo môi trường sống lành mạnh hơn. Một giải pháp khác đang được một doanh nghiệp áp dụng là xây dựng các bể ngầm khổng lồ trên đảo Lewis để nuôi cá hồi trên bờ, nhưng những dự án như vậy rất tốn kém.

Ngành nuôi cá hồi mới chỉ phát triển ở Scotland trong những thập kỷ gần đây. Kể từ vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 1971, sản lượng cá hồi của Scotland liên tục tăng. Năm 2016, Scotland sản xuất lượng cá hồi gấp đôi so với năm 1996, trở thành thương hiệu cá hồi uy tín trên thế giới. Ngành nuôi cá hồi hiện tạo khoảng 12.000 việc làm ở Scotland.

Minh Hợp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-doi-khi-hau-nganh-nuoi-ca-hoi-scotland-thiet-hai-nang-ne-20240620070457593.htm
Zalo