Biên cương xanh từ những bước chân nghĩa tình

Không chỉ chắc tay súng bảo vệ vững vàng chủ quyền biên giới quốc gia, những người lính Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP tỉnh Cao Bằng còn bền bỉ gieo mầm xanh cuộc sống ở các xóm vùng biên. Hành trình đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đã trở thành minh chứng sống động về hình ảnh 'Bộ đội Cụ Hồ' trong thời kỳ mới – nơi biên giới yên bình, chan chứa nghĩa tình quân dân.

Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng giúp nhân dân xóm Nà Chào thu hoạch mía. Ảnh: Huy Dương

Cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng giúp nhân dân xóm Nà Chào thu hoạch mía. Ảnh: Huy Dương

Nằm ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 20 km đường biên giới với Trung Quốc; phụ trách địa bàn 4 xã: Mỹ Hưng, Cách Linh, Đại Sơn, Bế Văn Đàn (huyện Phục Hòa) và 2 thị trấn Hòa Thuận, Tà Lùng (huyện Quảng Hòa). Không chỉ là đơn vị tuyến đầu về an ninh biên giới, Đồn còn đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới.

Chia sẻ với chúng tôi, Ông Trương Ngọc Hoan, Bí thư chi bộ xóm Nà Chào, xã Mỹ Hưng cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm về trước, xóm Nà Chào còn là xóm biên giới nhiều khó khăn. Hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, đường giao thông chủ yếu là đường đất, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi bặm. Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống người dân còn dựa nhiều vào nông nghiệp tự cung tự cấp”.

Trước thực tế đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương các biện pháp phù hợp, đồng thời xây dựng kế hoạch tham gia phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bắt đầu từ những việc làm nhỏ, các chiến sĩ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của chương trình nông thôn mới. Với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc – cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn sát cánh cùng nhân dân, từ việc nạo vét kênh mương, đắp đường nội đồng, dựng chuồng trại, đến sửa chữa nhà cửa, xây nhà vệ sinh, hỗ trợ sản xuất.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã phân công 54 đang viên phụ trách 359 hộ gia đình ở khu vực biên giới, huy động gần 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia hàng trăm đợt lao động giúp dân. Trong đó có gần 400m đường liên thôn trên địa bàn đơn vị quản lý được bê tông hóa, 78 cột đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt, hỗ trợ sinh kế cho 4 hộ nghèo 8 con lợn giống, giúp 32 hộ di rời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn nhà ở và 7 hộ xóa nhà tạm nhà dột nát...

Không chỉ dừng lại ở những phần việc hỗ trợ, đơn vị còn chủ động triển khai nhiều mô hình, hoạt động giàu ý nghĩa, gắn kết cộng đồng, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Một trong những mô hình được ghi nhận là “Con nuôi đồn biên phòng”, hiện đơn vị đang nuôi dưỡng 1 em học sinh dân tộc Nùng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở đồn Biên phòng em được bảo đảm ăn ở, sinh hoạt như người thân trong gia đình, đồng thời được kèm cặp học tập, rèn luyện nề nếp và định hướng tương lai.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tặng con giống tạo nguồn sinh kế giúp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Huy Dương

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tặng con giống tạo nguồn sinh kế giúp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Huy Dương

Bên cạnh đó, Mô hình “Đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình” cũng tạo bước đột phá trong công tác dân vận. Mỗi cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách từ 6 – 7 hộ dân, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải thích chính sách pháp luật, hướng dẫn sản xuất và phối hợp xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trên địa bàn.

Thiếu tá Nguyễn Vũ Lê, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng cho biết: “Muốn xây dựng nông thôn mới thành công thì trước hết phải xây dựng được lòng tin trong dân. Khi người dân tin vào bộ đội, tin vào cán bộ, thì mọi chương trình, chủ trương dù khó đến đâu cũng có thể thực hiện được”. Từ suy nghĩ đó, công tác dân vận được đơn vị triển khai một cách thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau. Các cán bộ, chiến sĩ còn vận động, kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng nhiều công trình thiết thực như: nhà tình nghĩa, điểm trường mầm non, nhà vệ sinh cho hộ nghèo; phối hợp tổ chức các buổi khám chữa bệnh miễn phí; tặng sách vở, xe đạp, áo ấm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, “Tháng ba biên giới”, hay "Tuổi trẻ BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”... cũng được duy trì thường xuyên, giúp quân – dân thêm gắn bó, sẻ chia, cùng nhau xây dựng biên giới vững mạnh, nghĩa tình.

Ông Trương Ngọc Hoan cho biết thêm: Trước đây, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ tận tình của BĐBP, đến nay xóm Nà Chào đã hoàn thành 13/16 tiêu chí về đích nông thôn mới; điện lưới quốc gia, internet phủ được phủ sóng, 100% đường liên thôn được bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Cuộc sống của người dân bây giờ thay đổi rõ rệt, khấm khá lên nhiều.

Từ một xóm nhỏ nơi biên cương còn in dấu bao gian khó, Nà Chào hôm nay như khoác lên mình tấm áo mới, tươi sáng và tràn đầy sức sống với những con đường nhựa thẳng tắp uốn mình qua triền núi, nối liền những mái nhà ngói đỏ rực nổi bật giữa biển mía xanh ngút ngàn, cùng tiếng trẻ em ríu rít nô đùa trong trẻo ngân vang giữa không gian thanh bình.

Ẩn sau khung cảnh yên ả ấy là hình bóng lặng lẽ của những người lính quân hàm xanh – những “kỹ sư dân vận” cần mẫn, nhưng thầm lặng đã và đang hòa mình vào nhịp sống của người dân vùng biên, cùng nhau vun đắp những “mùa xuân mới” nơi địa đầu Tổ quốc. Họ không chỉ là người lính cầm súng, mà còn là người thợ, người giáo viên, người thầy thuốc và người bạn đồng hành thủy chung của nhân dân. Và nơi biên cương ấy, tình quân dân vẫn âm thầm thắp sáng từng nụ cười, từng ước mơ, từng mái nhà hạnh phúc.

Huy Dương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-cuong-xanh-tu-nhung-buoc-chan-nghia-tinh-post492319.html
Zalo