'Biến cố' cột sống của siêu mẫu Dương Yến Ngọc

Nhiều năm sống chung với những cơn đau không tên, cựu siêu mẫu Dương Yến Ngọc từng đi khắp nơi để tìm lời giải cho tình trạng sức khỏe ngày càng tệ của mình.

Dương Yến Ngọc từng là gương mặt nổi bật của làng mốt Việt cuối thập niên 1990. Sau danh hiệu Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2000, cô chính thức bước vào giới người mẫu chuyên nghiệp. Siêu mẫu có chiều cao 1m73 nhanh chóng ghi dấu ấn bằng thần thái sắc lạnh, những bước catwalk cuốn hút và vóc dáng chuẩn mẫu hiếm thấy thời bấy giờ.

Thế nhưng phía sau ánh đèn sân khấu và những bước đi uyển chuyển, ít ai biết siêu mẫu này đã sống chung với dị tật cột sống từ thuở thiếu thời.

Cuộc sống đảo lộn vì những cơn đau

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Dương Yến Ngọc đã âm thầm mang trong mình những tổn thương đầu tiên ở cột sống. Sở hữu chiều cao vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa, cô thường xuyên phải ngồi học trên những bộ bàn ghế được thiết kế theo kích thước trung bình, không phù hợp với tầm vóc. Tư thế ngồi gò bó suốt nhiều năm khiến cột sống của cô bắt đầu cong vẹo, nhưng không ai, kể cả chính cô, nhận ra điều đó.

 Ảnh chụp X-quang cho thấy cột sống của siêu mẫu đã cong vẹo.

Ảnh chụp X-quang cho thấy cột sống của siêu mẫu đã cong vẹo.

Khoảng ba, bốn năm trở lại đây, cơ thể của Yến Ngọc mới bắt đầu lên tiếng. Uyển chuyển sải bước trên sàn catwalk, ít ai biết rằng đằng sau sân khấu, cựu siêu mẫu phải chịu đựng những cơn đau cổ, vai, gáy và lưng kéo dài.

Tệ hơn, những cơn đau đầu luôn bám riết lấy cô. Có ngày, cơn đau đầu hành hạ Yến Ngọc suốt 24 giờ không dứt. Cô kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, kết quả chụp CT không chỉ ra được nguyên nhân.

Cơn đau đầu và đau cột sống "dày vò" cô trong từng hoạt động. Mỗi lần catwalk, cơn đau thắt lưng khiến từng bước đi trở nên nặng nề, dường như mất đi vẻ thanh thoát trước đây. Những việc đơn giản như quét nhà, lau dọn cũng thường bị gián đoạn bởi cô không thể đứng lâu.

"Tôi không thể tìm ra được nguyên nhân đến từ đâu, chỉ có thể cắn răng chịu đựng", cô nói.

Yến Ngọc bắt đầu lao vào hành trình chữa trị bằng mọi cách. Từ việc đi lại các phòng massage trị liệu 3 lần mỗi tuần, đến việc dùng các loại thuốc bổ xương, bổ não. Thế nhưng, thứ nữ diễn viên nhận lại được vẫn chỉ là những cơn đau cột sống kéo dài bởi chưa cách nào chạm đến gốc rễ.

Trong một lần đi khám cột sống, Yến Ngọc lặng người khi nhìn vào ảnh chụp X-quang. Những đốt sống hiện lên một cách bất thường, cong vẹo rõ rệt. Vị bác sĩ người Mỹ khẽ cau mày, tay ghi vào bảng kết quả đánh giá hàng loạt chẩn đoán: cong vẹo cột sống, có dấu hiệu thoái hóa, xuất hiện gai xương và bắt đầu thoát vị đĩa đệm.

“Cô phải tạm ngừng việc vận động mạnh”, ông nhấn mạnh.

Yến Ngọc từng có những ngày tháng khổ sở vì không tìm ra nguyên nhân của những cơn đau.

Yến Ngọc từng có những ngày tháng khổ sở vì không tìm ra nguyên nhân của những cơn đau.

Cũng từ buổi khám, cựu siêu mẫu tìm được lời đáp cho những cơn đau đầu như búa bổ hay cảm giác hoa mắt thường xuyên của mình. Theo vị bác sĩ, việc cột sống bị gai hay cong vẹo có thể ảnh hưởng đến mạch máu dẫn lên não, khiến một số người bị chóng mặt, đau đầu, hoa mắt.

Chọn lặn để "cứu lấy" cột sống

Trong hành trình lấy lại sự linh hoạt cho cột sống ở tuổi 43, bơi lội là môn thể thao được bác sĩ nhắc đến trước tiên. Thế nhưng, ký ức về lần "chết hụt" khi tắm biển từ bé khiến nữ diễn viên Những cô gái chân dài e dè.

Dẫu vậy, cô lấy hết can đảm để xuống hồ bơi, cố để cứu lấy cột sống của mình. Song, khi hòa vào làn nước, Ngọc thấy cơ thể lạnh buốt. Cái lạnh tê tái ấy xuyên qua từng lớp da thịt, ám ảnh cô nhiều ngày sau đó. Ngọc biết mình vẫn chưa sẵn sàng.

Thay vì tiếp tục, cựu siêu mẫu chọn lui lại. Ba năm sau đó, cô dành thời gian để phục hồi một cách toàn diện. Cô kết hợp các phương pháp Đông lẫn Tây y bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, cải thiện tiêu hóa, tập các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường thể lực.

Khi cảm nhận được sự thay đổi tích cực, sức khỏe đã ổn định hơn, Yến Ngọc bắt đầu thử thách mình với môn lặn - môn thể thao giúp giảm áp lực lên các khớp và cột sống, hỗ trợ giãn cơ một cách tự nhiên.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, cô có thể ở dưới nước suốt ba tiếng mà không còn cảm giác lạnh thấu xương, không hoảng loạn. Đó là khoảnh khắc Yến Ngọc nhận ra mình đang hồi phục thật sự.

Dưới nước, Yến Ngọc học cách nín thở sâu, học những động tác lặn đầy uyển chuyển, nhẹ nhàng, giúp xương khớp vận động linh hoạt mà không gây thêm tổn thương.

Yến Ngọc yêu thích cảm giác được lặn dưới làn nước.

Yến Ngọc yêu thích cảm giác được lặn dưới làn nước.

Khi nói về cảm giác được lặn dưới nước, nữ siêu mẫu không giấu được vẻ hào hứng. Trong làn nước mát, xương khớp cô được co giãn nhẹ nhàng mà không lo chấn thương. Máu huyết lưu thông tốt hơn, nhịp tim ổn định trở lại.

Chỉ sau vài buổi tập, nữ diễn viên cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt: cột sống không còn cứng nhắc, các cơn đau cũng dần biến mất. Từ đó, lặn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Mỗi tuần hai buổi, cô ngâm mình dưới nước để "chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần".

Hơn 3 tháng theo đuổi bộ môn lặn, người xung quanh được nhìn thấy một Yến Ngọc rạng rỡ, đầy sức sống hơn. Khi huyết áp ổn định, cột sống khỏe hơn, giấc ngủ sâu và không còn phụ thuộc vào thuốc giảm đau, tinh thần cũng trở nên tốt hơn, Yến Ngọc ví von mình như "được sinh ra thêm lần nữa".

“Mọi thứ đang phát triển theo hướng tích cực”, cô hào hứng nói.

Giải pháp cho người mắc bệnh cột sống

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS.BS Trương Minh Mẫn, Phó khoa Phẫu thuật Chỉnh hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết bơi là môn thể thao phù hợp và an toàn nhất cho người mắc các bệnh lý về xương khớp, cột sống.

Theo bác sĩ Mẫn, môi trường nước giúp giảm đáng kể trọng lực tác động lên khớp, cho phép người bệnh vận động dễ dàng hơn, tăng tầm vận động và giảm đau hiệu quả. Các khớp cũng được nâng đỡ tốt hơn trong quá trình di chuyển.

Song song đó, lặn cũng là hình thức vận động có lợi, với hiệu quả tương tự như bơi lội. Việc vận động trong nước giúp giảm áp lực lên cột sống, tăng độ linh hoạt và cải thiện cảm giác đau. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cột sống có thể trở lại thẳng như ban đầu.

“Cảm giác dễ chịu sau khi bơi hay lặn là có thật, nhưng không có nghĩa cột sống đã được chỉnh sửa. Với người bị vẹo, trục cột sống bị lệch khỏi hướng trọng lực sẽ có các giải pháp chuyên sâu hơn”, bác sĩ nói.

 Người mắc bệnh cột sống vẫn có thể tập gym ở cường độ nhẹ và hạn chế các tư thế ảnh hưởng đến vùng chấn thương. Ảnh: Freepik.

Người mắc bệnh cột sống vẫn có thể tập gym ở cường độ nhẹ và hạn chế các tư thế ảnh hưởng đến vùng chấn thương. Ảnh: Freepik.

Với các trường hợp cong vẹo nhẹ (dưới 40 độ), người bệnh có thể điều trị bảo tồn bằng nẹp và các bài tập phục hồi chức năng. Nhưng nếu độ vẹo lớn hơn 40 độ, can thiệp phẫu thuật là điều cần thiết.

Bác sĩ Mẫn nhấn mạnh hiệu quả điều chỉnh cột sống chỉ có thể đạt được khi hệ xương vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tức là ở lứa tuổi thiếu niên. Khi xương đã phát triển hoàn chỉnh, việc luyện tập không còn khả năng làm thẳng trục cột sống mà chỉ giúp giảm đau, hỗ trợ vận động. Nếu cần chỉnh sửa về mặt cấu trúc, phẫu thuật là giải pháp duy nhất.

Ngoài bơi lội, người bị bệnh cột sống có thể tập gym hoặc aerobic, miễn là tập trung vào các nhóm cơ bụng, lưng và cơ dọc hai bên cột sống cổ. Đây là những nhóm cơ đóng vai trò ổn định trục cột sống. Tuy nhiên, người bệnh cần hạn chế các động tác ngồi xổm hoặc tác động vào vùng chấn thương.

Bác sĩ Mẫn cũng khuyến cáo để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần duy trì thói quen sinh hoạt hợp lý, bắt đầu từ những nguyên tắc đơn giản:

Không mang vác nặng
Tránh cúi gập đột ngột
Hạn chế ngồi xổm hoặc ngồi chồm hổm
Không ngồi một tư thế quá lâu, đặc biệt với nhân viên văn phòng hoặc tài xế

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bien-co-cot-song-cua-sieu-mau-duong-yen-ngoc-post1570501.html
Zalo