Bí quyết thành công của ThS Vũ Ngọc Quý trong giảng dạy và cuộc sống
Đằng sau mỗi bài giảng về Điện tử – Viễn thông hay Kỹ thuật Máy tính, ThS Vũ Ngọc Quý không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi gợi niềm đam mê và tinh thần chủ động cho sinh viên. Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, anh chia sẻ những bài học quý giá về cách thức biến lý thuyết thành hành động thực tế, giúp sinh viên không chỉ học mà còn áp dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống và nghề nghiệp.
Học đi đôi với hành – Phương châm giảng dạy hiệu quả
Theo ThS Vũ Ngọc Quý - Giảng viên trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, việc học tập và nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý thuyết suông mà cần phải gắn liền với thực hành, thực tiễn: “Việc học là ưu tiên số một, nhưng học tập không chỉ nằm trong phạm vi bài giảng trên lớp. Các hoạt động Đoàn - Hội là cơ hội tuyệt vời để sinh viên phát triển kỹ năng mềm và rèn luyện bản thân. Đó là những trải nghiệm giúp các bạn trưởng thành và sẵn sàng đối mặt với thách thức trong công việc sau khi ra trường”.
Với tinh thần đó, anh luôn nhắc nhở sinh viên của mình rằng, ngoài việc học tập chăm chỉ, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các bạn phát triển toàn diện hơn. Bằng việc tham gia các tổ chức Đoàn – Hội, sinh viên không chỉ nâng cao khả năng giao tiếp, làm việc nhóm mà còn rèn luyện được sự tự tin, kỹ năng lãnh đạo và quản lý thời gian.
Chủ động trong nghiên cứu khoa học – Chìa khóa của thành công
ThS Vũ Ngọc Quý khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học chính là sự chủ động: “Chủ động trong việc tìm hiểu tài liệu, chủ động tìm kiếm giải pháp, chủ động tham khảo các đề tài nghiên cứu trước đó và quan trọng nhất là chủ động trao đổi với giảng viên hướng dẫn về những vướng mắc trong quá trình làm việc. Chính sự chủ động này sẽ giúp các bạn sinh viên tìm ra hướng đi đúng đắn và đạt được kết quả tốt trong nghiên cứu”.
Đặc biệt, trong ngành Điện tử – Viễn thông và Kỹ thuật Máy tính, nơi mà kiến thức có phạm vi rất rộng và luôn thay đổi từng ngày, việc chủ động tìm tòi và phát triển những nghiên cứu độc lập là điều hết sức quan trọng. “Sinh viên không chỉ cần hiểu bài học trong sách vở mà còn phải biết cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn”, ThS Vũ Ngọc Quý nhấn mạnh.
Xây dựng chương trình đào tạo – Thách thức và cơ hội
Ngoài công tác giảng dạy, ThS Vũ Ngọc Quý cũng là một trong những người tham gia công tác xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo cho ngành Điện tử – Viễn thông và Kỹ thuật Máy tính. Đây là một công việc đầy thử thách bởi sự phức tạp và tính cập nhật nhanh chóng của ngành công nghệ. Anh chia sẻ: “Các ngành này đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng kiến thức rộng và khả năng tư duy độc lập. Việc xác định chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tế là một bài toán không dễ giải quyết”.
ThS Vũ Ngọc Quý là một trong 99 giáo viên nhận danh hiệu 'Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2024', do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Việc xây dựng chương trình đào tạo cũng phải đảm bảo tính linh hoạt, không chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập ở nhiều cấp độ khác nhau mà còn phải hòa nhập với xu thế công nghệ hiện đại. ThS Vũ Ngọc Quý cho rằng, việc liên tục cải tiến và cập nhật chương trình sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sinh viên, mở rộng con đường sự nghiệp khi ra trường.
Ứng dụng kiến thức vào thực tế – Cơ hội nghề nghiệp không giới hạn
Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên ngành Điện tử – Viễn thông và Kỹ thuật Máy tính, ThS Vũ Ngọc Quý nhận định: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, sinh viên ngành này đang đứng trước rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Chúng ta đang ở thời kỳ vàng của ngành công nghệ, nơi mà kỹ thuật số, tự động hóa và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ”.
Tư duy phản biện và khả năng sáng tạo – Yếu tố quan trọng trong học tập
Theo ThS Vũ Ngọc Quý, trong quá trình học tập và nghiên cứu, điều quan trọng nhất không phải là ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, mà là khả năng tư duy phản biện và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề: “Sinh viên phải học cách suy nghĩ độc lập, tìm ra các giải pháp sáng tạo cho vấn đề mà mình đang đối mặt. Đây là khả năng cần thiết không chỉ trong học tập mà còn trong công việc sau này”.
Đặc biệt, trong ngành Kỹ thuật Máy tính – sự giao thoa giữa Điện tử Viễn thông và Công nghệ thông tin – yêu cầu sinh viên không chỉ hiểu về lý thuyết mà còn phải biết áp dụng nó vào thực tế. ThS Vũ Ngọc Quý luôn khuyến khích sinh viên thực hành với các dự án mô phỏng, lắp ráp mạch điện tử, giúp các bạn hiểu rõ hơn về các khái niệm lý thuyết.