Bí quyết đưa doanh nghiệp 'lên sàn' sau 12 năm thành lập

Thứ duy nhất chúng tôi có là sự nỗ lực không giới hạn, cố gắng làm việc sáng đêm. Ngày qua ngày, làm việc đến mức không biết mình về nhà lúc nào, mình ngủ giờ nào.

Nguyên tắc 4: Nỗ lực không thua bất kỳ ai

Không ngừng nỗ lực, từng bước một, không nề hà những công việc khó nhọc hay tẻ nhạt.

Chạy marathon bằng hết sức mình

Không có đường tắt để đi đến thành công. Chính sự nỗ lực là con đường ngắn nhất, là vương đạo để đi đến thành công. Lý do để Kyocera có thể trưởng thành và phát triển như ngày hôm nay chỉ trong vòng 50 năm không có gì khác ngoài nỗ lực.

Có điều, sự nỗ lực đó của Kyocera không phải là sự nỗ lực bình thường. Chúng tôi đã liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ, không thua bất kỳ ai. Mấu chốt ở chỗ “không thua bất kỳ ai”. Nếu không nỗ lực hơn mọi người, không thể dẫn dắt doanh nghiệp đi đến tăng trưởng, phát triển.

Thời gian đầu mới sáng lập Kyocera, chúng tôi không có gì, không có tiền vốn của chính mình, không có đầy đủ thiết bị, không thành tích lẫn kinh nghiệm kinh doanh. Thứ duy nhất chúng tôi có là sự nỗ lực không giới hạn, cố gắng làm việc sáng đêm. Ngày qua ngày, làm việc đến mức không biết mình về nhà lúc nào, mình ngủ giờ nào. Thế rồi mọi người kiệt sức.

 Từ xuất phát điểm thiếu kinh nghiệm kinh doanh Kyocera đã vươn lên một doanh nghiệp tầm cỡ. Ảnh: Kyocera.

Từ xuất phát điểm thiếu kinh nghiệm kinh doanh Kyocera đã vươn lên một doanh nghiệp tầm cỡ. Ảnh: Kyocera.

Trong số nhân viên, có người lên tiếng: “Nếu cứ làm việc vắt kiệt sức thế này thì cơ thể chúng ta không chịu nổi đâu”. Bản thân tôi cũng sinh hoạt không điều độ, thời gian ngủ thì ngắn, thời gian ăn uống thì thất thường.

Tôi biết rằng không thể kéo dài lối sinh hoạt như thế này nên tập trung nhân viên lại và nói như sau: “Tôi không biết quản trị công ty là như thế nào nhưng có lẽ nó như một đường chạy dài ví như cuộc đua marathon. Nếu là vậy thì chúng ta là một nhóm nghiệp dư lần đầu tiên tham gia đường đua. Trong ngành thì chúng ta sinh sau đẻ muộn nên xem như xuất phát chậm hơn.

Những doanh nghiệp lớn chạy trước đã hình thành nhóm dẫn đầu và đã chạy được nửa đường. Những vận động viên nghiệp dư không kinh nghiệm, không kỹ thuật chậm hơn nửa vòng thì dù có chạy nhanh như họ cũng không thể thắng được. Nếu là vậy, chúng ta hãy thử chạy hết sức mình ngay từ đầu xem.

Có thể các bạn nghĩ làm sao cơ thể chịu nổi khi liều lĩnh như thế. Có thể đúng là vậy. Đương nhiên không thể nào chạy 42,195 km với tốc độ chạy 100 m được. Nhưng người chạy nghiệp dư chạy với tốc độ bình thường thì sẽ thấy nhóm dẫn đầu đã ở phía trước rồi. Đừng nói tới cạnh tranh thứ hạng, mà càng ngày càng bị bỏ xa là đằng khác. Nếu vậy thì dù chỉ là trong thời gian ngắn, tôi muốn thử chạy hết tốc lực để phân định thắng thua”. Tôi đã thuyết phục nhân viên như thế và Kyocera đã chạy bằng hết sức mình.

Không thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp chỉ bằng nỗ lực theo sức mình Kyocera đã liên tục phát triển, không có điểm dừng. Tôi không thể nào quên được thời khắc Kyocera được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 1972, tức 12 năm sau khi nó được thành lập.

Tôi tập trung toàn bộ nhân viên ở phần đất trống của nhà máy, vừa nghẹn ngào trong vui sướng vừa nói: “Tôi và mọi người đã từng nghĩ chạy marathon với tốc độ chạy 100 mét thì giữa chừng sẽ gục ngã hoặc bỏ cuộc mất thôi. Thế nhưng, khi thử chạy bằng hết sức lực dù chỉ trong một thời gian ngắn thay vì đua trong một cuộc đua không có cửa thắng thì tự lúc nào, điều đó trở thành thói quen, chúng ta đã có thể chạy cho đến hôm nay mà vẫn duy trì được tốc độ ấy.

Thế rồi, chúng ta dần nhận thấy, thì ra các vận động viên chạy trước cũng không xa mấy. Đó là vì chúng ta đã thấy dáng của họ ở phía trước. Vì vậy, chúng ta lại tăng tốc, lại chạy hết sức mình. Bây giờ thì chúng ta đã vượt qua nhóm hai, nhắm đến nhóm đầu. Nào, chẳng phải đã đến lúc chúng ta đuổi theo nhóm đầu rồi sao?”

Cứ như thế, chính sự nỗ lực chạy trọn vẹn cuộc đua marathon bằng hết sức lực là sự nỗ lực không thua kém bất kỳ ai.

Mỗi khi hỏi các nhà quản trị rằng: “Các bạn có nỗ lực không?” thì ai cũng trả lời: “Tôi nỗ lực theo sức mình”. Thế nhưng, quản trị doanh nghiệp là một cuộc cạnh tranh. Chỉ cần doanh nghiệp cạnh tranh nỗ lực hơn chúng ta, mà chúng ta thì chỉ nỗ lực theo sức mình thì chúng ta sẽ chỉ có thất bại, thua cuộc trong cạnh tranh. Mức độ “nỗ lực theo sức mình” không giúp công ty tăng trưởng. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, bạn phải nỗ lực hơn bất kỳ ai khác.

Inamori Kazuo/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-quyet-dua-doanh-nghiep-len-san-sau-12-nam-thanh-lap-post1570637.html
Zalo