Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc - Phải làm gì để tự bảo vệ?

L.T.D, 20 tuổi, dân tộc Mông, đi làm công nhân tại một xưởng may ở tỉnh xa. 'Dù chưa ký hợp đồng lao động, nhưng em đã làm việc hơn 6 tháng. Thời gian gần đây, em liên tục bị tổ trưởng phân xưởng buông lời trêu ghẹo khiếm nhã, thậm chí có lúc còn cố tình chạm vào người em trong giờ làm việc. Anh ấy còn gặng hỏi địa chỉ phòng trọ của em và nhiều lần rủ em đi chơi dù em đã từ chối. Em rất sợ, nhưng không dám nói với ai vì lo bị đuổi việc. Hơn nữa, không biết ai có thể giúp mình'.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Dù bạn có ký hợp đồng lao động hay không, bạn vẫn được pháp luật bảo vệ khỏi những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 6 quy định:

"Nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc."

Điều 3, khoản 9 của Luật này nêu rõ:

"Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào tại nơi làm việc mà không được người kia mong muốn."

Hành vi này có thể là lời nói, cử chỉ, hình ảnh hoặc động chạm cơ thể.

Khi bị quấy rối tình dục có thể tự bảo vệ bằng những cách sau:

Ghi lại bằng chứng: Nếu có thể, hãy ghi âm, ghi chép lại thời gian, địa điểm, lời nói, hành vi và nhân chứng (nếu có).

Trình báo với người quản lý cao hơn hoặc bộ phận nhân sự (nếu doanh nghiệp có). Họ có trách nhiệm can thiệp và xử lý vụ việc.

Liên hệ với tổ chức công đoàn (nếu nơi bạn làm có công đoàn). Công đoàn có vai trò bảo vệ quyền lợi người lao động.

Nếu hành vi có dấu hiệu xâm hại thân thể, đe dọa cưỡng ép, bạn có quyền trình báo công an.

Bạn đừng lo lắng khi bị đe dọa đuổi việc. Theo Luật Lao động, người sử dụng lao động không được sa thải, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với người tố cáo hành vi quấy rối tình dục. Nếu bị đuổi vì lý do tố cáo, bạn có thể khởi kiện ra tòa án lao động để yêu cầu phục hồi quyền lợi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ cho mình:

- Tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (miễn phí), nơi có thể hỗ trợ phiên dịch cho đồng bào dân tộc.

- Gọi điện đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ hoặc các tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực.

- Nhờ người tin cậy giúp trình bày lại sự việc và gửi đơn đến cơ quan chức năng.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bi-quay-roi-tinh-duc-tai-noi-lam-viec-phai-lam-gi-de-tu-bao-ve-20250723094630241.htm
Zalo