Bệnh tim mạch - một dạng 'đại dịch' không biên giới

Bệnh tim mạch đã và đang đứng đầu danh sách nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người chết do bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Gánh nặng do bệnh tim mạch ngày càng gia tăng.

Ê kíp can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên điều trị tái tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành. Ảnh: YÊN LAN

Ê kíp can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên điều trị tái tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành. Ảnh: YÊN LAN

Báo Phú Yên phỏng vấn Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), về sự nguy hiểm của bệnh tim mạch, tầm quan trọng của việc triển khai, nâng cao các kỹ thuật, phương pháp điều trị bệnh tim mạch và ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Bác sĩ Châu Khắc Toàn

Bác sĩ Châu Khắc Toàn

* Thưa bác sĩ, bệnh tim mạch nguy hiểm như thế nào?

- Các bệnh lý tim mạch chia thành 2 nhóm chính: bệnh do xơ vữa mạch máu, như bệnh động mạch vành, mạch máu não, mạch ngoại vi; và bệnh không do xơ vữa, như bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim do thấp, bệnh tim nhiễm trùng. Trong đó, bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch chiếm tỉ lệ cao nhất và là nguyên nhân chính gây tử vong, tàn tật. Năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu toàn cầu và đã trở thành một “đại dịch” không biên giới.

Bệnh động mạch vành và đột quỵ não là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tim mạch, trong đó bệnh mạch vành chiếm 14% và đột quỵ chiếm 11,1%. Đột quỵ đặc biệt gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình, dự báo tử vong do đột quỵ có thể tăng 30% vào năm 2030, tập trung chủ yếu tại các quốc gia này.

Tại Việt Nam, bệnh mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

* Từ thực tế đó, bác sĩ có thể cho biết tầm quan trọng của việc đào tạo nâng cao chuyên môn cho ê kíp can thiệp tim mạch để có thể can thiệp những ca phức tạp, đồng thời đào tạo ê kíp can thiệp mạch não, xử trí rối loạn nhịp tim?

- Hiện tại ê kíp can thiệp tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã thực hiện thường quy can thiệp các tổn thương mạch vành không quá phức tạp. Để can thiệp các tổn thương mạch vành phức tạp hơn, như tổn thương thân chung động mạch vành, tổn thương tại vị trí chia đôi, tắc hoàn toàn mạn tính…, các bác sĩ can thiệp tim mạch cần được tiếp tục đào tạo chuyên sâu, cần sự tiếp tục hỗ trợ của chuyên gia tuyến trên và trang bị các thiết bị như siêu âm nội mạch (Intravascular Ultrasound - IVUS)…

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã thực hiện thường quy tiêu sợi huyết để điều trị đột quỵ nhồi máu não. Phương pháp tiêu sợi huyết giúp phá vỡ cục máu đông, khôi phục dòng máu đến não, giảm tổn thương, phục hồi chức năng thần kinh và ngăn ngừa tử vong. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế: tỉ lệ thành công dao động từ 30-60%, chỉ hiệu quả trong 4,5 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng; không hiệu quả đối với các trường hợp tắc nghẽn mạch lớn như động mạch cảnh hoặc động mạch não giữa. Để nâng cao khả năng điều trị đột quỵ nhồi máu não, bệnh viện đã có kế hoạch cử bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên đi đào tạo về can thiệp nội mạch.

Về điều trị rối loạn nhịp tim, ngoài việc điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc, sốc điện mà bệnh viện đã thực hiện, bệnh viện cử bác sĩ vào Bệnh viện Thống Nhất học thăm dò điện sinh lý và đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Định hướng tương lai gần, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên sẽ điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số radio.

Thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp để có thể kiểm soát kịp thời một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch. Ảnh: YÊN LAN

Thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp để có thể kiểm soát kịp thời một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch. Ảnh: YÊN LAN

* Làm thế nào để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, thưa bác sĩ?

- Ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch đòi hỏi thay đổi lối sống và quản lý các yếu tố sức khỏe quan trọng. Một số biện pháp giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ chính liên quan đến bệnh tim mạch gồm: kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol, kiểm soát bệnh tiểu đường, ngừng hút thuốc, duy trì cân nặng lành mạnh, hoạt động thể chất đều đặn và giảm căng thẳng.

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch. Theo dõi huyết áp thường xuyên, duy trì chế độ ăn ít muối và thường xuyên tập thể dục giúp kiểm soát huyết áp.

Cholesterol xấu (LDL) cao có thể dẫn đến xơ vữa động mạch. Chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và nhiều chất xơ, kết hợp với việc sử dụng thuốc, nếu cần, có thể giúp giảm mức cholesterol.

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Điều chỉnh chế độ ăn, kiểm soát cân nặng và sử dụng thuốc đúng chỉ định giúp quản lý tốt đường huyết.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách gây tổn hại động mạch và gia tăng huyết áp. Bỏ thuốc lá là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Thay đổi lối sống với chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục thường xuyên giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách hạ huyết áp, giảm cholesterol xấu và cải thiện lưu thông máu. Cố gắng tập ít nhất 150 phút hoạt động cường độ vừa phải mỗi tuần.

Căng thẳng kéo dài có thể góp phần tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Các biện pháp như thiền, yoga, hoặc các hoạt động thư giãn khác giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tim mạch.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim

Theo WHO, bệnh tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu - đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển. Thống kê cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển còn cao hơn tại các nước phát triển.

Năm 1999, Liên đoàn Tim mạch Thế giới, với sự hỗ trợ của WHO, chọn ngày 29/9 hằng năm làm Ngày Tim mạch thế giới, nhằm nâng cao nhận thức của toàn cầu về bệnh tim mạch và những nguy cơ từ căn bệnh này.

Ngày Tim mạch thế giới năm 2024 có chủ đề “Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim”. Theo các chuyên gia tim mạch, bệnh lý này đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Ngày càng có nhiều người trong độ tuổi từ 30-40 mắc bệnh tim mạch.

Các chuyên gia khuyến cáo: Để bảo vệ trái tim, hãy bắt đầu từ những việc đơn giản như kiểm tra sức khỏe định kỳ; ăn uống lành mạnh: hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa và tăng cường ăn rau quả, ngũ cốc nguyên hạt; tăng cường vận động: dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, có thể là đi bộ, chạy, bơi lội...; bỏ thuốc lá, vì khói thuốc không chỉ làm hại tim mà còn gây hại cho phổi và toàn bộ cơ thể; giữ cho tinh thần luôn thoải mái.

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/321128/benh-tim-mach-mot-dang--dai-dich--khong-bien-gioi.html
Zalo