Bệnh nhân 'đặc biệt' 80 tuổi của khoa Nội Gan mật: Tôi cảm động trước sự tận tình của người thầy thuốc
Có không ít bệnh nhân chẳng may bị mắc bệnh ung thư buộc phải gắn quãng thời gian cuối đời của mình ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Điều này cũng có nghĩa, họ và gia đình thấu hiểu hơn ai hết những vất vả của các y bác sĩ đêm ngày bận rộn với công việc chữa trị, thăm nom, chăm sóc bệnh nhân.
Bệnh nhân 18 lần chạy hóa chất, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà
Ông Phạm Văn Hiền, 80 tuổi (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi đi khám phát hiện đã bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn, sức khỏe suy giảm. Điều này, khiến ông và gia đình thật sự bị sốc. Vì mang trong người trọng bệnh nên ông đã trở thành bệnh nhân đặc biệt của nhiều bệnh viện do thời gian nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Chị Phạm Thị Hường (con gái ông Hiền) chia sẻ: "Sau cuộc đại phẫu ở Bệnh viện Giao thông vận tải vào đầu tháng 9 năm 2023 và 18 lần truyền hóa chất ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bố tôi đã chuyển sang giai đoạn điều trị thích ứng. Gia đình quyết định đưa bố vào Bệnh viện E và được chuyển vào Khoa Nội gan mật ở Nhà C, tầng 4, phòng 413. Thời gian này, bố tôi đau đớn khó chịu trong người và không muốn ăn gì. Các khối u phát triển nên đã chèn ép, gây tắc đường ống dẫn mật, tràn dịch ổ bụng.
Các bác sĩ đã cho xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu và tiến hành phẫu thuật để đặt ống dẫn lưu, thải dịch bị ứ đọng trong gan, mật. Tuy nhiên do thể trạng nên phải mấy lần mới đặt được stent. Do tuổi đã cao cũng bạo bệnh nên sức khỏe bố tôi ngày càng yếu đi và rất đau đớn, gần như ngày nào cũng phải truyền giảm đau, nhất là ban đêm, liên tục phải gọi người trực. Có lần bố tôi rất khó thở, tưởng là không qua khỏi, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời.
Trong thời gian điều trị dài ngày tại Khoa Nội gan mật, bản thân tôi và gia đình đã cảm nhận được sự tận tình trách nhiệm của các y bác sĩ nơi đây. Họ quan tâm tới từng bệnh nhân, chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Từ y tá, điều dưỡng đến các bác sĩ đều nhiệt tình, trách nhiệm. Bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, chỉ cần gọi là có người đến kiểm tra và thăm khám, không để người bệnh phải chờ đợi lâu. Suốt gần hai tháng thay nhau vào viện chăm bố, tôi chưa nghe/ nhìn thấy ai gắt gỏng hay khó chịu với bệnh nhân, kể cả với người nhà".
Mặc dù bị bạo bệnh hành hoành nhưng những lúc bớt đau đớn ông Hiền vẫn lạc quan động viên ngược lại vợ và các con. Ông chia sẻ chân thật về từng khoảnh khắc tự mình vừa mong manh, vừa mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Trải lòng của ông qua các câu chuyện về ý chí kiên cường mà chan chứa yêu thương với cuộc sống, với những người thân yêu và cả những người đồng bệnh, "thấy bệnh viện như ở nhà". Trong lúc chia sẻ, ông xúc động nói: "Tôi cảm động trước sự tận tình của các thầy thuốc, ngày đêm cứu chữa cho tôi".
Bệnh nhân và người nhà thấy ấm lòng
Nói về bệnh nhân đặc biệt này, ThS.BS Vũ Việt Sơn, Phụ trách phòng 413 chia sẻ: "Thời điểm vào viện bác Hiền bị men gan tăng khá cao, tắc mật tăng, vị trí tắc nghi khối u tăng kích thước chèn vào đường dẫn mật, tràn dịch ổ bụng… buộc phải đặt sten. Do thể trạng và bệnh nền nên thời gian hồi phục và điều trị kéo dài hơn các bệnh nhân khác nên thời gian nằm viện dài gần 2 tháng.
Bác Hiền là bệnh nhân rất kiên cường trong quá trình điều trị. Bác hợp tác và luôn có tinh thần hợp tác, cố gắng phối hợp điều trị. Tôi cảm thấy rất thương vì bác Hiền là bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe không còn tốt nhưng luôn có tinh thần vượt qua bạo bệnh. Biết tinh thần rất quan trọng nên tôi cố gắng động viên, thăm hỏi để bác vững tâm trong quá trình điều trị. Chia sẻ, nói chuyện với gia đình khi có người thân nằm viện lâu để gia đình yên tâm".
"Bố nằm viện điều trị lâu ngày nhưng hầu như ngày nào, bác sĩ Sơn cũng đến tận giường thăm hỏi bệnh tình của bố tôi cũng như các bệnh nhân khác trong phòng với thái độ ân cần, thân thiện như người trong gia đình. Thời gian bố tôi gần ra viện, bác sĩ Sơn mặc dù đã chuyển sang phòng khám nhưng vẫn thường xuyên trở về phòng 413 ân cần hỏi han từng bệnh nhân, nhất là bố tôi – người điều trị dài ngày gần như nhất khoa. Ai cũng cảm thấy ấm lòng và thầm biết ơn trước sự quan tâm đó. Căn phòng cũng trở nên ấm cúng như ngôi nhà gần gũi thân quen của mình bởi tình cảm của những con người xa lạ dành cho nhau", chị Hường bộc bạch.
Người nhà có bệnh nhân do bác sĩ Sơn điều trị cho biết: "Khi không còn ở bệnh viện nữa, bác sĩ Sơn vẫn nhiều lần gọi điện, nhắn tin để hỏi thăm về tình trạng sức khỏe và hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc cho phù hợp, nhất là thuốc chống đông máu".
"Bố tôi giờ đây đã yếu mệt nhưng lúc tỉnh, vẫn thều thào nhắc tên các y bác sĩ đã tận tình điều trị cho mình với tấm lòng biết ơn. Đúng là chỉ có y đức của người thầy thuốc mới để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí mỗi bệnh nhân ngay cả những lúc lằn ranh sinh tử cận kề. Thay mặt cho gia đình tôi xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới những "chiến sĩ áo trắng" đã ngày đêm thầm lặng để chữa trị và mang lại sự sống cho biết bao người bệnh!", chị Hường xúc động.
Thế mới biết, y đức của bác sĩ nhiều khi không phải là cái gì đó cao siêu, mà đôi lúc chỉ cần cái nắm tay chia sẻ, ánh mắt cảm thông, lời nói động viên dặn dò, chia sẻ cũng làm vơi bớt nỗi khổ đau lo lắng của người bệnh.