Bến Tre tập trung khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển

Gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, gây mất đất sản xuất, tài sản và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Tỉnh Bến Tre đang tập trung các giải pháp công trình, phi công trình để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra…

Công trình kè mềm chống sạt lở bờ biển tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Công trình kè mềm chống sạt lở bờ biển tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Tỉnh Bến Tre có khoảng 65 km bờ biển và bốn con sông chính, gồm: Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên với tổng chiều dài khoảng 300 km. Trên địa bàn Bến Tre còn có 46 kênh, rạch chính nối các sông lớn thành một mạng lưới chằng chịt với tổng chiều dài hơn 2.367 km.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km; trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm với tổng chiều dài khoảng 115 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển diễn ra tại 8 điểm với tổng chiều dài khoảng 19 km, làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc ba huyện ven biển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Võ Tiến Sĩ cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 khu vực bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài 6.774 m. Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Mỏ Cày trên địa bàn thị trấn Mỏ Cày và xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam) với tổng chiều dài sạt lở khoảng 680 m.

Gần đây nhất, một đoạn dài hơn 20 m và rộng hơn 4 m của bờ sông Giao Hòa (xã Giao Long, huyện Châu Thành) bị sạt lở hoàn toàn xuống sông. Còn bờ kè khu vực chân cầu An Hóa hiện có khoảng 25 m đang sạt lở nghiêm trọng, mất khoảng 90% mái kè bảo vệ phía sông; còn khoảng 35 m kè đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở...

Năm 2016, bà Nguyễn Thị Đầm về bãi biển Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) thuê mặt bằng sát bãi biển kinh doanh dịch vụ du lịch và hải sản. Nỗi lo lớn nhất của gia đình bà Đầm là sóng to, gió lớn gây sạt lở bờ biển. Bà Đầm cho biết: “Năm nào cũng vậy, trước và sau Tết Nguyên đán là sóng gió rất to gây sạt lở bờ biển. Gia đình tôi làm mọi cách như đóng cừ tràm, thân cây dừa để ngăn sóng nhưng vẫn bị sạt lở. Chúng tôi buộc phải liên tục di dời chỗ kinh doanh vào sâu phía trong”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho hay, hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Đáng lo nhất là điểm sạt lở tại khu vực bãi biển Cồn Bửng có chiều dài khoảng 5 km với nhiều điểm sạt lở nặng. Theo dự báo, trong khoảng 5 năm tới, nếu không có giải pháp cụ thể thì nguy cơ khu du lịch này sẽ không còn nữa. Các điểm sạt lở bờ sông cũng đáng lo ngại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân...

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển như: tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Tỉnh tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác cát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bến Tre đã đầu tư cho 22 dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 37 km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng. Hiện, tỉnh còn khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần tiếp tục được đầu tư, xây dựng công trình phòng chống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, do Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, có bốn cửa sông lớn đổ ra Biển Đông và hệ thống kênh, rạch chằng chịt nên sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để người dân hiểu, cùng các cấp chính quyền thực hiện nhiều giải pháp phòng chống sạt lở như làm kè, trồng cây ven sông để bảo vệ nhà cửa, vườn cây. Nhà nước cũng bỏ ra kinh phí rất lớn để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở nhưng tình trạng sạt lở còn phức tạp. Hiện nay, tỉnh còn 8 điểm khẩn cấp cần phải có giải pháp cấp bách để khắc phục với kinh phí hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài, căn cơ; trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt tại các điểm sạt lở đã có dự án, kinh phí được phê duyệt; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thực hiện các dự án chống sạt lở do JICA tài trợ; đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống thiên tai, sạt lở và đánh giá các dự án phòng chống sạt lở hiệu quả để nhân rộng...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ben-tre-tap-trung-khac-phuc-sat-lo-bo-song-bo-bien-post770657.html
Zalo