Bé trai 23 tháng tuổi suýt tử vong vì tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng diễn tiến nhanh khiến bé trai 23 tháng tuổi rơi vào tình trạng nguy kịch phải thở máy, điều trị tích cực.

Ngày 16/7, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng.

Cụ thể, bệnh nhi là Ng.T. K. (23 tháng, nam, ngụ Lương Hòa, Tây Ninh).

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trẻ bệnh 2 ngày, ngày đầu bệnh nhi sốt, nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Ngày thứ 2 tiếp tục sốt, giật mình chới với.

Bệnh nhi được nhập bệnh viện địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 2a. Tại đây, bệnh nhi được điều trị theo phác đồ nhưng tình trạng bệnh không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lừ đừ, mạch 144 lần/phút, huyết áp 121/49 mmHg, thở 34 lần phút không đều, thở kiểu bụng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ 3, cao huyết áp, xét nghiệm men gan tăng nhẹ, toan chuyển hóa nặng.

Bệnh nhi nguy kịch do bệnh tay chân miệng. Ảnh; BVCC.

Bệnh nhi nguy kịch do bệnh tay chân miệng. Ảnh; BVCC.

Các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc điều hòa miễn dịch, hạ sốt, điều chỉnh điện giải toan kiềm cho bệnh nhi.

Kết quả sau 7 ngày điều trị, tình trạng trẻ có cải thiện, bớt sốt, huyết động ổn định, cai máy thở, tỉnh táo, tiếp xúc được.

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến cảnh báo, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay, chân, mông, gối, loét miệng, giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật,… hãy lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Phụ huynh cần chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ bằng cách giữ vệ sinh cá nhân và thực hiện nguyên tắc "3 sạch": ăn sạch, ở sạch, chơi sạch. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn, bàn chải đánh răng, chén, bát, muỗng… Bên cạnh đó, trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước và sau khi ăn, sau khi chơi đồ chơi, sau khi đi vệ sinh hoặc khi tay bị bẩn.

Người lớn cũng cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với trẻ, sau khi thay tã, xử lý phân, nước tiểu, nước bọt…để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-trai-23-thang-tuoi-suyt-tu-vong-vi-tay-chan-mieng-169250716161050584.htm
Zalo