Bê bối gian lận thuế 36 tỷ euro quay trở lại ám ảnh Thủ tướng Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đáng phải đối mặt trở lại với những câu hỏi về cáo buộc liên quan đến vụ bê bối gian lận thuế lớn nhất nước này. Đây được coi là một thách thức lớn khác đối với uy tín của ông Olaf Scholz trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân chủ Xã hội vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Cuộc thẩm vấn thứ 3

Ngày 6/12, nhà lãnh đạo trung tả Olaf Scholz lần thứ 3 đối mặt với ủy ban điều tra của Quốc hội tại thành phố Hamburg để trả lời các câu hỏi về mối liên hệ của ông với các vụ bê bối gian lận thuế ("cum-ex" và "cum-cum") khoảng 36 tỷ euro khi một số ngân hàng, công ty hoặc thương nhân yêu cầu chính quyền hoàn thuế sai.

"Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm để tìm hiểu xem có bất kỳ hình thức ảnh hưởng chính trị nào trong vụ việc hay không", Farid Muller, một thành viên của ủy ban điều tra thuộc đảng Xanh cho biết và tiết lộ thêm rằng, ông Olaf Scholz đã bị thẩm vấn thêm về các giao dịch của mình với một trong những ngân hàng liên quan đến vụ việc - ngân hàng HSH Nordbank.

Dù Thủ tướng Olaf Scholz không bị buộc tội thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc liệu tất cả các giao dịch tại HSH Nordbank có được công khai.

Dù Thủ tướng Olaf Scholz không bị buộc tội thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc liệu tất cả các giao dịch tại HSH Nordbank có được công khai.

Năm 2014, HSH Nordbank đã nộp khoảng 126 triệu euro cho cơ quan thuế, sau khi một công ty luật xem xét kỹ lưỡng các giao dịch “cum-ex” từ năm 2008 đến năm 2011. “Mặc dù ông Olaf Scholz không bị buộc tội thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào, nhưng vẫn còn đó câu hỏi rằng liệu tất cả các giao dịch có liên quan tại HSH Nordbank cách đây 10 năm có được công khai hay không. Các cuộc điều tra tập trung vào phạm vi và thời điểm ông Olaf Scholz là thị trưởng của thành phố Hamburg, nắm quyền chính trị, biết về các giao dịch và liệu ông đã thực hiện hết trách nhiệm để làm sáng tỏ những cáo buộc khi đó hay không”, bài báo trên tờ Politico có đoạn viết.

Giao dịch “cum-ex” là giao dịch đã khai thác cách giải thích xuất hiện mã số thuế, cho phép nhiều người yêu cầu quyền sở hữu cùng một cổ phiếu và đặc biệt, quyền được hoàn lại các khoản thuế đã khấu trừ từ cổ tức. Theo các nhà chức trách Đức, các giao dịch dựa trên việc bán cổ phiếu đi vay ngay trước khi một công ty dự kiến trả cổ tức cho phép nhiều nhà đầu tư yêu cầu hoàn lại khoản thuế chỉ được trả một lần.

“Cum-ex” được phát triển từ “cum-cum” - một chiến lược “chênh lệch cổ tức”, trong đó các cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu trong một thời gian ngắn cho các nhà đầu tư ở nước ngoài để tránh phải trả thuế cho cổ tức. Mặc dù “cum-cum” không liên quan đến việc hoàn lại nhiều lần đối với khoản thuế chỉ được trả một lần, nhưng điều đó dẫn đến các khoản hoàn lại sẽ không được hoàn lại nếu cổ phần được giữ bởi chủ sở hữu ban đầu.

Thực tế, bê bối gian lận thuế từng phủ bóng lên chiến dịch tranh cử của ông Olaf Scholz năm 2021 nhưng cuối cùng ông vẫn giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng Đức. Thời điểm đó, ngân hàng M.M. Warburg & Co của Hamburg trở thành tâm điểm trong vụ bê bối và các nhà điều tra đã không tìm thấy được sự liên quan với ông Olaf Scholz dù trong thời gian làm Thị trưởng Hamburg, ông Olaf Scholz đã nhiều lần gặp cựu Giám đốc ngân hàng Warburg, Christian Olearius, người đã ra tòa vì tội trốn thuế dẫn đến khoản lỗ 280 triệu euro.

Tháng 8/2022, ông Olaf Scholz lại bị yêu cầu điều trần vụ bê bối “cum-ex” không chỉ liên quan đến ông Christian Olearius mà còn có nhiều ngân hàng, thương nhân và quỹ đầu cơ quốc tế khác nhằm lừa hàng tỷ USD của các chính phủ châu Âu bằng cách yêu cầu hoàn lại các khoản thuế mà họ chưa bao giờ trả. Vụ việc này sau đó được gọi là “Vụ cum-ex” được mở rộng điều tra ở 10 quốc gia.

“Nhóm vận động hành lang tài chính ở Đức rất mạnh và có rất nhiều nguồn lực để thúc đẩy lợi ích của mình nên cần có một đối trọng lớn, đủ sức hơn nữa", Anne Brorhilker (bên phải), cựu công tố viên chính trong “Vụ cum-ex” cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

“Nhóm vận động hành lang tài chính ở Đức rất mạnh và có rất nhiều nguồn lực để thúc đẩy lợi ích của mình nên cần có một đối trọng lớn, đủ sức hơn nữa", Anne Brorhilker (bên phải), cựu công tố viên chính trong “Vụ cum-ex” cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Bê bối ở ngân hàng M.M. Warburg & Co

Theo hồ sơ của “Vụ cum-ex”, M.M. Warburg & Co này lẽ ra phải trả 47 triệu euro cho thành phố cảng Hamburg của Đức, nhưng chính quyền thành phố đã từ bỏ khoản này vào năm 2016. Sau đó 1 năm, dưới áp lực từ chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel, M.M. Warburg & Co cuối cùng đã phải trả lại hàng chục triệu euro. Thủ tướng Olaf Scholz - người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Đức từ năm 2018 đến năm 2021 đã phủ nhận mọi hành vi liên quan. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã nghi ngờ ông Olaf Scholz khi còn là thị trưởng Hamburg, có gây áp lực lên cơ quan thuế thành phố để ngân hàng này được miễn thuế. Năm 2022, Matthias Hauer, một đảng viên đảng Bảo thủ, thành viên của Ủy ban Tài chính của Hạ viện đã đưa ra một số thông tin cho thấy, Thủ tướng Olaf Scholz và những trợ lý của ông đã tìm cách chỉ cung cấp thông tin hạn chế về các cuộc họp hoặc cuộc điện thoại nhất định với ban lãnh đạo ngân hàng M.M. Warburg & Co. hoặc cố tình che giấu chúng nhằm giấu nhiều sai phạm khác.

Về phần ông Christian Olearius, các công tố viên cáo buộc ông này cố tình đánh lừa cơ quan thuế Đức trong thời gian làm Giám đốc ngân hàng M.M. Warburg & Co. Cụ thể, ông Christian Olearius bị cáo buộc 15 tội danh trốn thuế nghiêm trọng dẫn đến khoản lỗ ước tính 280 triệu euro cho nhà nước Đức trong giai đoạn 2006-2019. Tòa án khu vực ở Bonn đã cho phép các công tố viên tiến hành truy tố 14 tội danh. Tháng 9/2023, các công tố viên lại yêu cầu chấm dứt các thủ tục tố tụng chống lại ông Christian Olearius để ủng hộ cái gọi là thủ tục thu hồi nhằm xem xét liệu việc tịch thu được 43 triệu euro nhưng bị tòa án Bonn bác bỏ.

Đầu năm nay, phiên tòa xét xử ông Christian Olearius (giữa) đã kết thúc mà không có phán quyết ngoài tuyên bố người đàn ông 82 tuổi này quá ốm yếu để hầu tòa.

Đầu năm nay, phiên tòa xét xử ông Christian Olearius (giữa) đã kết thúc mà không có phán quyết ngoài tuyên bố người đàn ông 82 tuổi này quá ốm yếu để hầu tòa.

Hãng AP thông tin, dưới sự lãnh đạo của ông Christian Olearius, ngân hàng M.M. Warburg & Co đã tham gia vào “Vụ cum-ex” từ năm 2008 đến 2011. Trong thời gian đó, ngân hàng đã nhận được khoản hoàn trả 169 triệu euro tiền thuế mà thực tế họ chưa thực hiện. Một quỹ đầu tư của M.M. Warburg & Co. cũng đã nhận được khoản hoàn trả vượt quá 100 triệu euro. Các luật sư thuế đứng sau kế hoạch và là cánh tay phải của ông Chistian Olearius tại ngân hàng đều đã bị kết án tù dài hạn vì vai trò của họ trong vụ bê bối.

Mặc dù ông Chistian Olearius tuyên bố mình vô tội, các công tố viên vẫn cáo buộc rằng ông "có liên quan đến âm mưu" thông qua các giao dịch với luật sư thuế. Đồng thời, các công tố viên cũng nghi ngờ ông Christian Olearius đã sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình ở Hamburg để vận động các nhà lãnh đạo của thành phố can thiệp giúp cho ngân hàng tránh việc phải trả lại tiền hoàn thuế.

Sau đó, người ta phát hiện ra rằng ông Christian Olearius đã quyên góp chính trị lớn cho các chính trị gia cấp cao của đảng Dân chủ Xã hội tại Hamburg có liên quan trực tiếp đến giám sát tài chính. Ông cũng đã gặp trực tiếp ông Olaf Scholz ba lần vào năm 2016 và 2017 để biện hộ cho vụ việc của mình. Khi bị buộc phải ra làm chứng trước một ủy ban điều tra của quốc hội tại Hamburg, Thủ tướng Olaf Scholz luôn tuyên bố không nhớ gì về các lần gặp ông Christian Olearius. Đầu năm nay, phiên tòa xét xử ông Christian Olearius đã kết thúc mà không có phán quyết ngoài tuyên bố người đàn ông 82 tuổi này quá ốm yếu để hầu tòa.

Ngân hàng M.M. Warburg & Co đã tham gia vào “Vụ cum-ex” từ năm 2008 đến 2011.

Ngân hàng M.M. Warburg & Co đã tham gia vào “Vụ cum-ex” từ năm 2008 đến 2011.

Và thách thức mới của Thủ tướng

Việc ông Christian Olearius không được tuyên vô tội cũng không bị tuyên có tội và không còn phải đối mặt với hậu quả pháp lý, cho thấy các công tố viên Đức khó khăn như thế nào trong việc kết tội thành công những đối tượng bị cáo buộc phạm tội tài chính lớn. Trong các cuộc điều tra “cum-ex” ở Đức, các cáo buộc đã được đưa ra đối với tổng cộng 18 bị cáo trong 11 phiên tòa.

Theo văn phòng công tố viên tại Cologne, đơn vị giám sát các cuộc điều tra, 133 cuộc điều tra đã được tiến hành liên quan đến khoảng 1.700 bị cáo đang chờ xử lý. Tuy nhiên, không có một cáo buộc nào được đưa ra kể từ khi công tố viên chính Anne Brorhilker từ chức hồi tháng 4. Bà Anne Brorhilker trước khi chuyển sang làm việc cho tổ chức phi chính phủ Finanzwende thậm chí còn nói: “Nhóm vận động hành lang tài chính ở Đức rất mạnh và có rất nhiều nguồn lực để thúc đẩy lợi ích của mình nên cần có một đối trọng lớn, đủ sức hơn nữa".

Tờ Politico nhận định, Thủ tướng Đức đang phải nỗ lực đấu tranh để sinh tồn trên chính trường sau khi liên minh ba đảng của ông sụp đổ vào tháng 11, khi ông sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do trung hữu. Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của ông Olaf Scholz hiện đang bị giảm sút uy tín, bị dự đoán chỉ có thể đứng ở vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2/2025.

Trong khi đó, người phát ngôn của chính phủ Đức đã từ chối bình luận về các cáo buộc mới nhằm vào Thủ tướng. Còn nhà lập pháp cấp cao của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu Julia Klockner thì khẳng định: "Ông Olaf Scholz phải chịu trách nhiệm về việc nhà nước đã mất hàng triệu euro tiền thuế. Tất nhiêu điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử, vì nó liên quan đến uy tín của ông ấy".

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/be-boi-gian-lan-thue-36-ty-euro-quay-tro-lai-am-anh-thu-tuong-duc-i753251/
Zalo