Bầu cử quốc hội Pháp: Canh bạc lớn của ông Macron và châu Âu

Hàng triệu cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội vòng một, mở đường cho những diễn biến khó lường trên chính trường Pháp cũng như châu Âu thời gian tới.

Ngày 30-6, cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội vòng một sau khi Tổng thống Emmanuel Macron hôm 9-6 bất ngờ giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm do thất bại của đảng Phục Hưng trung dung của ông trước đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, theo hãng tin AFP.

Cuộc bầu cử quốc hội lần này được đánh giá là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong nhiều thập niên đối với Pháp cũng như đối với châu Âu.

Kết quả khó đoán định

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kéo dài đến 6 giờ chiều 30-6 (giờ địa phương), trong đó cử tri sẽ bỏ phiếu chọn ra 577 thành viên quốc hội từ 4.011 ứng cử viên. Kết quả này sẽ quyết định ghế thủ tướng thuộc về đảng nào cũng như định hình phương hướng chính phủ tiếp theo của Pháp.

Bầu cử quốc hội lần này là sự cạnh tranh của ba nhóm chính trị chính: Liên minh của Tổng thống Macron (gồm các đảng Phục hưng (Renaissance), Phong trào Dân chủ (MoDem) và Những chân trời (Horizons)); đảng cánh hữu RN, cùng liên minh Mặt trận Bình dân mới (NFP) của cánh tả.

 Người dân Pháp xếp hàng bỏ phiếu bầu cử quốc hội Pháp vòng một ở tỉnh Tulle (Pháp) ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Người dân Pháp xếp hàng bỏ phiếu bầu cử quốc hội Pháp vòng một ở tỉnh Tulle (Pháp) ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Để đạt được ghế trong quốc hội, một ứng cử viên phải nhận được đa phiếu bầu và có được sự ủng hộ của tối thiểu 25% cử tri tại khu vực bầu cử. Trường hợp không có ứng viên đạt ngưỡng 25%, những ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của tối thiểu 12,5% số cử tri sẽ bước vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra một tuần sau đó. Thông thường, phải đến vòng bầu cử thứ hai mới có ứng viên chiến thắng.

Kết quả thăm dò gần nhất cho thấy đảng RN dẫn đầu cuộc đua với khoảng 35% số phiếu bầu, kế đến là liên minh cánh tả với khoảng 25-26% số phiếu bầu và liên minh trung dung của ông Macron đứng thứ ba với khoảng 19%.

Kết quả bầu cử chính thức sẽ có vào ngày 8-7, một ngày sau khi vòng bầu cử thứ hai kết thúc. Kết quả vòng một là một dấu hiệu dự đoán kết quả cuối cùng nhưng không nhất thiết phản ánh chính xác kết quả bầu cử. Chẳng hạn, vào năm 2022, liên minh trung dung của ông Macron và phía cánh tả đã ngang tài ngang sức trong vòng bỏ phiếu đầu tiên nhưng kết quả cuối cùng liên minh của ông Macron giành được gần 250 ghế trong khi cánh tả giành được chưa đến 150 ghế.

Theo các chuyên gia, các vấn đề kinh tế - xã hội và vấn đề nhập cư là mối quan tâm chính của các cử tri Pháp khi lựa chọn bỏ phiếu cho một đảng. Tuần trước, lãnh đạo đảng RN Jordan Bardella đã công bố chương trình nghị sự của đảng nếu giành chiến thắng, bao gồm ngăn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt, giảm lạm phát, giảm tuổi hưu, tăng lương.

Trong khi đó, liên minh cánh tả cho biết sẽ đảo ngược các cải cách lương hưu và tăng tuổi hưu mà Tổng thống Macron đã thông qua, đồng thời tăng chi tiêu công nếu liên minh giành chiến thắng.

Ý nghĩa của cuộc bầu cử đối với Pháp và châu Âu

 Lối vào một trạm bỏ phiếu bầu cử quốc hội Pháp vòng một ở tỉnh Pas-de-Calais (Pháp) ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Lối vào một trạm bỏ phiếu bầu cử quốc hội Pháp vòng một ở tỉnh Pas-de-Calais (Pháp) ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Kết quả bầu cử quốc hội có thể dẫn đến sự không chắc chắn trên chính trường Pháp trong nhiệm kỳ 3 năm còn lại của Tổng thống Macron. Hiện tại, liên minh cầm quyền sắp mãn nhiệm của ông Macron nắm 245 ghế trong quốc hội và mỗi khi muốn thông qua luật, liên minh phải tìm kiếm thêm sự ủng hộ để đạt đa số.

Nếu kết quả bầu cử sắp tới đem lại đa số ghế cho đảng RN, điều này đồng nghĩa với việc ông Macron phải bổ nhiệm một thủ tướng và nội các từ đảng đối lập, từ đó sẽ gây khó cho tổng thống trong việc thông qua chính sách.

Hiến pháp của Pháp có sự phân công nhiệm vụ giữa tổng thống và thủ tướng. Theo đó, tổng thống sẽ đảm nhiệm các vấn đề đối ngoại, trong khi thủ tướng sẽ quản lý các vấn đề đối nội và quốc phòng.

Việc tổng thống và thủ tướng từ hai đảng khác nhau “chung sống” có thể gây ra khó khăn trong việc thực thi luật và thông qua ngân sách vì cả hai có thể cản trở quyết định của nhau. Chẳng hạn, ông Macron có thể phủ quyết luật mà quốc hội do phe đối lập chiếm đa số thông qua, ngược lại, chính phủ của phe đối lập có thể không thực hiện một số sắc lệnh của tổng thống.

“Cuộc bầu cử sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cách điều hành mới và sự kết thúc chương trình nghị sự của Tổng thống Macron” - ông Emmanuel Dupuy, chủ tịch Viện Nghiên cứu An ninh và Quan điểm Châu Âu (một tổ chức tư vấn về ngoại giao và phân tích chính trị có trụ sở tại Pháp), nhận định.

Bầu cử quốc hội lần này cũng được cho là sẽ tác động đến châu Âu vì Pháp vốn là một quốc gia hàng đầu ở của Liên minh châu Âu (EU). Vài thập niên qua, Pháp và Đức đã dẫn đầu quá trình hoạch định chính sách của khối.

Theo đài CBS News, trong bối cảnh Đức những năm gần đây ngày càng vướng vào các vấn đề trong nước, Pháp đã tự mình đảm nhận nhiều hơn các nhiệm vụ đối ngoại của liên minh. Tổng thống Macron coi vai trò của Pháp trong chính trị quốc tế là tất yếu và ông nhiều lần thể hiện mong muốn lên tiếng với tư cách là quốc gia hàng đầu EU.

Ông Douglas Webber, GS về Khoa học Chính trị tại trường kinh doanh INSEAD (Pháp) tin rằng châu Âu có lý do để lo ngại về cuộc bầu cử ở Pháp, vì “việc chung sống” giữa tổng thống và phe đối lập đem lại “triển vọng không chắc chắn hoặc có thể gây ra hậu quả rất tiêu cực đối với vai trò của Pháp và sự tham gia của Paris vào EU”.

Ông Webber dự đoán sự không chắc chắn có thể kéo dài cho đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2027.

Giới phân tích dự đoán một số chính sách của ông Macron tại EU như kết nạp thêm thành viên vào liên minh, viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga,... có thể bị phe đối lập cản trở.

Bên cạnh đó, một số chính sách kinh tế và xã hội của phe đối lập có thể không phù hợp với khuôn khổ hiện tại của pháp luật EU. Có quan điểm lo ngại rằng chính phủ mới ở Pháp sẽ noi gương Hungary và Hà Lan bằng cách chọn không tham gia một số chính sách của châu Âu, bao gồm cả chính sách về nhập cư và mua sắm quốc phòng.

Theo tạp chí Council on Foreign Relations, những vấn đề trên thực sự đáng lo ngại cho EU khi khối này đang chuẩn bị bước vào quá trình chuyển giao quyền lực vào mùa thu năm nay. EU sẽ cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên chủ chốt, đặc biệt là Pháp, để giải quyết những thách thức sắp tới.

Canh bạc của ông Macron gây bối rối cho chính quyền ông Biden

Tờ Poitico ngày 29-6 dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ rằng Tổng thống Macron đã thông báo cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi giải tán quốc hội Pháp và kêu gọi tổng tuyển cử.

Các quan chức nói rằng ban đầu phía Mỹ cảm thấy bất ngờ nhưng về sau đã chuyển dần sang bối rối trước quyết định của ông Macron.

Washington đến nay vẫn hạn chế bình luận công khai về cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp.

Các quan chức cho biết có mối lo ngại ở Mỹ rằng động thái của ông Macron có thể gây ra hậu quả vượt xa ra nước Pháp, làm suy yếu EU và đặt ra thêm thách thức cho các đồng minh của Paris.

Theo các quan chức, Nhà Trắng tin rằng tác động tức thời của cuộc bầu cử đối với các ưu tiên chung của đồng minh phương Tây sẽ “hạn chế” nhưng lo ngại về nguồn viện trợ của Pháp cho Ukraine.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bau-cu-quoc-hoi-phap-canh-bac-lon-cua-ong-macron-va-chau-au-post798194.html
Zalo