Bầu cử lập pháp Anh: Kẻ buồn – Người chưa chắc đã vui

Công Đảng Anh đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lập pháp vừa diễn ra, chấm dứt 14 năm nắm quyền liên tục của Đảng Bảo thủ, kể từ 2010. Tuy nhiên, giành chiến thắng mới chỉ là bước đầu, Công Đảng sẽ không dễ giải quyết được những thách thức lớn mà nước Anh đang phải đối mặt, vốn chính là nguyên nhân thất bại của Đảng Bảo thủ.

Nước Anh đã theo bước các nước châu Âu khác trong việc "trừng phạt" chính phủ của họ sau thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, không giống như Pháp, cán cân chính trị tại Anh đã dịch chuyển sang trung tả thay vì nghiêng về cánh hữu. Và kết quả cuộc bầu cử lần này cũng được coi là thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử của Đảng Bảo thủ Anh.

Thực tế, thất bại của Đảng Bảo thủ Anh là điều đã được dự báo trước từ lâu. Đảng Bảo thủ bắt đầu trượt dốc bởi tự gây ra vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Mặc dù giành được chiến thắng vang dội năm 2019, song Đảng Bảo thủ đã gặp khó với các vấn đề về niềm tin và năng lực.

Ông Keir Stamer vừa đắc cử Thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters

Ông Keir Stamer vừa đắc cử Thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters

Xét về sự thể hiện và hình ảnh công chúng, Đảng Bảo thủ thường xuyên đấu đá nội bộ, vướng vào nhiều bê bối. Chưa một giai đoạn nào trong lịch sử chính trị, nước Anh phải thay 5 thủ tướng khác nhau kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) năm 2016. Thậm chí, bà Liz Trus đã trở thành thủ tướng Anh có thời gian nắm quyền ít nhất trong lịch sử, chỉ trong vòng 6 tuần.

Từ góc độ vĩ mô, những vấn đề hạ tầng và dịch vụ công như kinh tế đình trệ, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, y tế, mâu thuẫn Anh - Liên minh châu Âu (EU), vấn đề chính trị ở Bắc Ireland, phong trào đòi độc lập của Scotland, … thường không được xử lý hiệu quả. Gần đây, do kinh tế suy thoái, chính quyền trung ương Anh cắt giảm chi tiêu công, gây ra làn sóng phá sản ở nhiều thành phố và thị trấn, qua đó tăng thêm lý do cho phe đối lập và người dân nghi ngờ về năng lực của đảng cầm quyền.

Nhưng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, nỗi buồn của người này sẽ là niềm vui của người khác. Thất bại của Đảng Bảo thủ cũng đồng nghĩa với thắng lợi của Đảng Lao động đối lập. Với kết quả đa số áp đảo, Đảng Lao động đã chính thức trở lại nắm quyền sau 14 năm. Đây được cho là sự đảo ngược ngoạn mục của Đảng Lao động. Tuy nhiên, thực tế lại rất khắc nghiệt.

Ngoài những thách thức về sự đoàn kết, Đảng Lao động sẽ phải giải quyết rất vấn đề của nước Anh như tình trạng suy giảm của nền kinh tế, lạm phát, gánh nặng nợ thuế và khủng hoảng nhập cư…. Đó không phải là điều dễ dàng. Thậm chí nhà lãnh đạo tương lai của nước Anh Keir Stamer cũng thừa nhận “thay đổi một quốc gia không giống như việc bật công tắc”. Ở nước Anh hiện tại, giữ được quyền khó gấp nhiều lần giành được quyền.

Châu Anh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bau-cu-lap-phap-anh-ke-buon-nguoi-chua-chac-da-vui-post1106079.vov
Zalo