Bắt nhịp xu hướng nhà mua hàng quốc tế để vượt 'hàng rào xanh' xuất khẩu

Trong khi các nhà bán lẻ phương Tây chạy đua vận chuyển hàng sớm cho mùa lễ giáng sinh tới thì ở trong nước cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ tìm nhà cung cấp của các nhà nhập khẩu, nhãn hàng quốc tế.

Không chỉ đến mở văn phòng hoạt động, các nhà nhập khẩu và chủ nhãn hàng quốc tế còn đầu tư gian hàng tại các hội chợ, triển lãm để giới thiệu những sản phẩm, mặt hàng cần tìm, điều trái ngược với trước đây. Vấn đề lúc này, nhà cung cấp cần nắm bắt xu hướng của nhà mua hàng, nhất là vượt qua “rào cản xanh” và cải tiến sản xuất để cạnh tranh giá.

Tìm nhà cung ứng trong nước, các nhà nhập khẩu, nhãn hàng còn đầu tư gian hàng ở các hội chợ, triển lãm giới thiệu những sản phẩm cần tìm. Ảnh minh họa: L. H

Tìm nhà cung ứng trong nước, các nhà nhập khẩu, nhãn hàng còn đầu tư gian hàng ở các hội chợ, triển lãm giới thiệu những sản phẩm cần tìm. Ảnh minh họa: L. H

Đẩy mạnh tìm nguồn cung ở Việt Nam

Chia sẻ về việc các nhà mua hàng quốc tế dịch chuyển sang Việt Nam tìm nhà cung ứng, ông Đặng Ráng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty ASAHI furniture, cho rằng tình hình không chỉ dừng lại tiềm năng hay khảo sát mà dần đi vào thực tế nhiều hơn.

Cụ thể như khi tham gia hội chợ HawaExpo 2024 diễn ra vào tháng 4 vừa qua, ASAHI furniture đã tiếp đón một lượng nhà mua hàng đến tham quan nhà máy ở KCN Đồng An (tỉnh Bình Dương) tăng gấp 3 lần so với HawaExpo 2023.

Đáng chú ý, sự kiện hội chợ đồ gỗ và nội thất quốc tế này còn giúp công ty ký kết gần 10 Bản ghi nhớ cung ứng hàng hóa với các nhà mua hàng mới ở châu Âu, Mỹ, Ấn Độ… Khả năng các nhà mua hàng này đặt hàng rất cao trong thời gian sớm.

Không riêng ASAHI furniture, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hawa, sự kiện HawaExpo 2024 thu hút hàng chục ngàn khách tham quan của hơn 110 quốc gia và có hơn 75% nhà triển lãm ký kết thành công với tổng giá trị đơn hàng lên đến 150 triệu đô la Mỹ.

Các nhà mua hàng quốc tế đánh giá, Việt Nam đang là thị trường cung ứng quan trọng và vai trò này sẽ tiếp tục được nâng cao trong thời gian tới. Sự quan tâm và dịch chuyển chuỗi cung ứng không chỉ dừng lại việc các nhà mua hàng đến mở văn phòng hoạt động mà còn tham gia các gian hàng tại các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa mình muốn mua.

Hiện tượng này theo ông Nguyễn Khoa, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam cho là ngược lại với thời kỳ trước khi mà muốn đưa hàng hóa ra thế giới, các nhà sản xuất Việt phải đi triển lãm quốc tế và “gõ cửa” nhiều nhà mua hàng khắp nơi.

“Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước mà trong đó Việt Nam ngày càng được các nhà mua hàng quốc tế đẩy mạnh dẫn đến nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước cao”, ông Khoa nhấn mạnh.

Với vai trò tìm kiếm nhà mua hàng đáng tin cậy, ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam cho biết, sau hơn 10 năm kể từ khi Walmart bắt đầu thành lập văn phòng tại TPHCM vào năm 2013, Việt Nam hiện đã vươn lên thành một trong những thị trường cung ứng quan trọng hàng đầu tại châu Á của Walmart.

Bên cạnh cung cấp cho thị trường Mỹ, đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart còn có các giải pháp hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khác như Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc. Bên cạnh các mặt hàng may mặc, đồ điện tử…, Walmart cũng muốn tìm sản phẩm khác ở Việt Nam như đồ chơi, thực phẩm… để xuất khẩu.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng ở nhiều danh mục sản phẩm của Việt Nam và mong muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn”, ông Aly Ansari nói.

Còn ông Herman Xu, Tổng giám đốc phụ trách chất lượng của Tập đoàn Miniso, nhà bán lẻ có hơn 6.600 cửa hàng ở khoảng 110 thị trường, cũng cho biết sẵn sàng mở rộng hợp tác với chuỗi cung ứng Việt Nam.

Các nhà phân phối quốc tế, nhà nhập khẩu gia tăng tìm nguồn cung ứng ở Việt Nam. Ảnh: BCT

Các nhà phân phối quốc tế, nhà nhập khẩu gia tăng tìm nguồn cung ứng ở Việt Nam. Ảnh: BCT

Nhà bán lẻ này cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế về thương mại với các thị trường Bắc Mỹ, ASEAN và CPTPP. “Sự khác biệt về thuế quan đóng vai trò quan trọng. Việt Nam hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan từ nhiều Hiệp định FTA, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng tôi khi thâm nhập các thị trường mục tiêu”, ông Herman Xu nói.

Hơn nữa, trong bối cảnh rủi ro chính trị toàn cầu như hiện nay, môi trường chính trị tại Việt Nam tương đối ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định cho người tiêu dùng thế giới.

Không chỉ những nhà bán lẻ, tập đoàn thu mua nói trên, tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế – Vietnam International Sourcing Expo diễn ra tại TPHCM mới đây, một loạt các tập đoàn phân phối, nhà nhập khẩu, chủ nhãn hàng lớn thể hiện sự quan tâm và gửi yêu cầu về những mặt hàng cần kết nối, giao thương với doanh nghiệp Việt.

Có thể kể đến các tên tuổi như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, Safeway (Mỹ); Falabella (Chi Lê); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); LuLu (UAE), IKEA, H&M (Thụy Điển)…

Cần “bắt kịp” xu hướng nhà mua hàng

Theo Bộ Công Thương, 5 tháng 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỉ đô la, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có FTA đều có sự phục hồi tích cực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, cạnh tranh về giá cả với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Theo bà Thắng, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị – kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, khắt khe hơn liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn…

Đơn cử như trong ngành dệt may, da giày, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải vượt qua hàng loạt các “hàng rào xanh” khi tiếp cận các thị trường phát triển, đặc biệt là khối EU.

Gần đây, Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CS3D) đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Đối với ngành hàng nội thất, đồ gỗ, đồ gia dụng, thị trường Mỹ, EU đặt ra yêu cầu cao hơn về truy suất nguồn gốc gỗ, chứng nhận an toàn…

Ở phía nhà nhập khẩu, nhãn hàng thì cũng yêu cầu khắt khe và yếu tố giá cả phải cạnh tranh hơn.

Xanh hóa sản xuất và chuỗi cung ứng có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu. Ảnh: TL

Xanh hóa sản xuất và chuỗi cung ứng có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu. Ảnh: TL

Theo ông Herman Xu của Miniso, chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh với chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực sản phẩm, đảm bảo chất lượng, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại…

Các nhãn hàng quốc tế cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt cần tăng tốc hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa chuỗi sản xuất, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn để không bỏ lỡ thời cơ tiến sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Theo ông Benoit Fournier, CEO Decathlon Việt Nam, Châu Âu dẫn đầu xu hướng phát triển bền vững, các quy định xanh của Châu Âu phức tạp và luôn thay đổi. Điều này đặt ra thách thức cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Cũng thừa nhận các doanh nghiệp dệt may đang chịu áp lực phát triển xanh, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết hầu hết các nhãn hàng quốc tế đều đưa ra yêu cầu nhà cung cấp phải có kế hoạch hành động cụ thể cho sản xuất xanh. Ông khuyên nhà sản xuất thực hiện sản xuất xanh sớm để cơ hội gia tăng đơn hàng đến sớm và nhiều hơn.

Ở góc độ của một nhà thu mua lớn, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, ông Yuichiro Shiotani, cho rằng các nhà sản xuất Việt kinh doanh trong nước rất tốt, nhưng xuất khẩu thì còn nhiều thách thức. Theo ông, mỗi thị trường quy định khác nhau về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Do đó, để đáp ứng được các tiêu chuẩn của mỗi quốc gia, thì doanh nghiệp cần nhiều thời gian và chi phí.

Còn đại diện bộ phận thu mua của Tập đoàn Falabella cho rằng điều nhà bán lẻ cần là sự năng động của các doanh nghiệp cung ứng Việt.

Mặt khác, các nhà mua hàng cho rằng doanh nghiệp Việt cần đầu tư công nghệ hiện đại và sản phẩm sản xuất cần giảm sự phụ thuộc nhiều nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu để giảm giá thành, cạnh tranh với các nước, nhất là “công xưởng thế giới”.

Theo các chuyên gia, cơ hội đưa sản phẩm vào các chuỗi phân phối lớn và đi thị trường thế giới đang rất lớn với nhà sản xuất Việt. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được những cơ hội này, luôn ở tâm thế sẵn sàng cải tiến, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn thị trường, nhãn hàng đặt ra.

Trong đó, cần tăng tốc hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa chuỗi sản xuất, cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn để không bỏ lỡ thời cơ tiến sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bat-nhip-xu-huong-nha-mua-hang-quoc-te-de-vuot-hang-rao-xanh-xuat-khau/
Zalo