Bất ngờ với thị trường tín chỉ loại bỏ carbon hàng tỉ đô
Giữa tháng 7, các trang tin liên quan đến môi trường và carbon đã đồng loạt đăng tải chuyện Microsoft mua gần 5 triệu tấn carbon loại bỏ (carbon removal) có trị giá hàng tỉ đô la. Không ít doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến carbon đã ngỡ ngàng khi biết giá lên tới hàng trăm đô la mỗi tín chỉ.
Tín chỉ loại bỏ carbon (carbon removal credits), cũng có thể gọi là tín chỉ âm carbon, còn trên thị trường thế giới, nhiều người gọi là “carbon âm”, hiện đang trở thành “vàng xanh” trong hành trình trung hòa phát thải toàn cầu. Theo tìm hiểu của người viết, các doanh nghiệp Việt Nam gần như đứng bên lề, chưa tham gia sâu vào thị trường này, nhưng những bước đi ban đầu như làm than biochar từ vỏ cà phê, nghiên cứu loại bỏ carbon ở các nhà máy xi măng, sắp thép đã gợi mở một cánh cửa tiềm năng.
Tín chỉ loại bỏ carbon, cuộc chơi mới của Net Zero

Trong hơn một thập niên qua, thị trường tín chỉ carbon chủ yếu xoay quanh khái niệm bù đắp khí thải (carbon offset) – tức doanh nghiệp phát thải khí CO₂ có thể bù đắp bằng cách đầu tư vào trồng rừng, tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ làm chậm quá trình phát thải, chứ không thực sự loại bỏ CO₂ khỏi khí quyển.
Nói đến tín chỉ carbon thì thị trường thế giới đã vận hành hơn cả chục năm nhưng tín chỉ loại bỏ carbon thì mới chỉ vài năm gần đây và sản lượng giao dịch rất nhỏ, nếu so với bù đắp carbon truyền thống. Tín chỉ loại bỏ carbon (carbon removal) – tức gỡ bỏ CO₂ khỏi khí quyển và lưu giữ lâu dài trong lòng đất hoặc sinh khối. Các công nghệ tiêu biểu như DAC (Direct Air Capture): thu hồi CO₂ trực tiếp từ không khí bằng công nghệ lọc; Biochar: đốt phế phẩm nông nghiệp trong điều kiện thiếu oxy để tạo thành than sinh học, rồi trộn vào đất giúp lưu giữ carbon; phong hóa tăng cường (enhanced weathering): dùng đá nghiền để hấp thụ CO₂ từ không khí; Bio-oil sequestration: chôn vĩnh viễn dầu sinh học dưới lòng đất.
Các doanh nghiệp lớn như Microsoft, Stripe, Airbus, Shopify đang bỏ ra hàng tỉ đô la vào lĩnh vực này, bất chấp chi phí cao gấp 20 - 100 lần so với tín chỉ carbon bù đắp truyền thống.

Làm than sinh học (biochar) từ vỏ ca cao. Nguồn: Báo Nhân Dân
Hiện nay, Việt Nam chưa có các dự án công nghệ cao như DAC hay phong hóa tăng cường. Tuy nhiên, tại Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, một số hợp tác xã nông nghiệp đã bắt đầu thử nghiệm làm than sinh học (biochar) – bằng cách đốt phế phẩm trong điều kiện thiếu oxy. Biochar không chỉ cải tạo đất, tăng giữ ẩm và năng suất, mà còn giúp giữ carbon trong đất hàng trăm năm. Đây là cơ sở để hình thành tín chỉ loại bỏ carbon nếu quy trình được chuẩn hóa và đo đạc chính xác.
Nhưng, hiện các mô hình nói trên chỉ phục vụ nghiên cứu và cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một số nhà máy xi măng Việt Nam, vốn là công nghiệp phát thải carbon lớn, vài năm qua có nhắc đến ứng dụng công nghệ thu giữ CO₂ nhưng mới dừng ở mức khảo sát, chưa triển khai thực tế.
Nhỏ nhưng tăng tốc mạnh
Theo nền tảng dữ liệu về đánh giá và xác nhận carbon của thị trường thế giới thì lượng tín chỉ loại bỏ carbon được giao dịch toàn cầu năm 2023 mới chỉ gần 4 triệu tấn CO₂, nhưng đã tăng gấp 4 lần so với năm 2022.
Các tập đoàn công nghệ (Microsoft, Meta, Stripe…), hãng hàng không (Airbus, United Airlines), và ngân hàng lớn (JPMorgan, UBS) đang là nhóm mua tín chỉ loại bỏ nhiều nhất, không phải để tiết kiệm, mà để đáp ứng các cam kết Net Zero minh bạch và có trách nhiệm. So với tín chỉ carbon bù đắp, vốn đang phổ biến hiện nay, thường dựa trên báo cáo giấy và ảnh vệ tinh, thì tín chỉ loại bỏ carbon đòi hỏi quy trình đo lường - báo cáo - xác minh carbon nghiêm ngặt, minh bạch theo thời gian thực.
Hiện các tổ chức chứng nhận quốc tế tham gia vào tín chỉ loại bỏ carbon như Puro.earth (Phần Lan) thì chuyên tín chỉ removal; Verra (Mỹ); Gold Standard (Thụy Sĩ); Carbonfuture (Đức), một nền tảng sử dụng blockchain để theo dõi tín chỉ từ nguồn ban đầu đến điểm bán.
Nông nghiệp tái sinh và “vàng đen” khí hậu
Thật đáng buồn là thị trường tín chỉ carbon truyền thống thế giới đã vận hành hơn chục năm, hiện thị trường tuân thủ (bắt buộc) có trị giá giao dịch hàng trăm tỉ đô la mỗi năm, riêng thị trường tín chỉ carbon tự nguyện thì thấp hơn, chừng 4-5 tỉ đô la mỗi năm. Còn Việt Nam thì hiện đang tính toán xây dựng sàn giao dịch thí điểm cuối năm nay nhưng có lẽ cuối năm tới mới ra đời. Khi Việt Nam hình thành thị trường tín chỉ cabron truyền thống, rất có khả năng lúc đó, thế giới chuyển qua thị trường tín chỉ loại bỏ carbon.
Nhưng nếu nói về tiềm năng thì Việt Nam thừa sức có khả năng tham gia thị trường tín chỉ loại bỏ carbon. Với thế mạnh về nông nghiệp, đất đai và phế phẩm hữu cơ, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh trong các phân khúc như làm than Biochar từ vỏ cà phê, ca cao, trấu, mùn cưa; nông nghiệp tái sinh kết hợp loại bỏ carbon; các mô hình thu giữ và lưu giữ CO₂ sinh học chi phí thấp.

Các chuyên gia giới thiệu lò đốt biochar cỡ nhỏ, phù hợp với quy mô hộ gia đình cho các nông dân trồng ca cao tại Đồng Nai. Nguồn: Báo Nhân Dân
Các năm qua, một số doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan khoa học trong nước đã cùng nông dân thực hiện các mô hình như thúc đẩy canh tác cà phê theo mô hình nông nghiệp tái sinh tại các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai; hỗ trợ nông dân Tây Nguyên theo hướng canh tác tái sinh gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu hay thử nghiệm mô hình nông nghiệp tái sinh cho cây tiêu và lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung.
Tất cả những mô hình nói trên hiện nay mang tính thử nghiệm và phục vụ cho mục tiêu của cộng đồng, phát tiển bền vững nhiều hơn là tính tới loại bỏ carbon, nhưng nông nghiệp lại chính là lợi thế làm carbon loại bỏ của Việt Nam.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các văn bản cấp Chính phủ thì thị trường carbon trong nước sẽ vận hành thử nghiệm từ cuối năm nay đến 2027 nhưng vẫn chủ yếu là tín chỉ bù đắp từ rừng, chất thải, năng lượng mà hiếm thấy văn bản nào nói tới loại bỏ carbon.
Những lò đốt yếm khí để làm than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp ở Tây Nguyên hay ĐBSCL có thể là “cây ATM khí hậu” trong tương lai, nhưng để “rút tiền”, cần phải đi hành trình dài hơn nữa.