Bất ngờ sức khỏe ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não sau 14 năm
Sự thành công của ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Qua đó cũng chứng minh rằng, y học Việt Nam đã có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng.
Ngày 3-12, Bệnh viện Việt Đức thông tin về cuộc hội ngộ của ông Trần Ngọc Thanh (sinh năm 1965, ở tỉnh Điện Biên), là người đầu tiên ở Việt Nam được ghép gan từ người cho chết não (năm 2010) với các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Đức khi ông Thanh đến tái khám.
Theo đó, ông Thanh bày tỏ sự xúc động khi được gặp lại hai chuyên gia đầu ngành đã thực hiện ca phẫu thuật ghép gan hồi sinh sự sống cho ông cách đây 14 năm: PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.
Ông Thanh nói: "Bác sĩ Quyết và bác sĩ Hùng là ân nhân của tôi, đã cứu sống, tái sinh ra tôi lần thứ hai".
Năm 2010, khi được chẩn đoán mắc suy gan giai đoạn cuối, ông Thanh rơi vào tình trạng nguy cấp và cơ hội sống duy nhất là ghép gan.
Đây là ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam từ người cho chết não, nên cũng là thách thức lớn với đội ngũ y, bác sĩ.
Tuy nhiên, nhờ sự chuyên nghiệp, tận tâm, áp dụng kỹ thuật ghép tạng tiên tiến trên thế giới, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép gan lịch sử, không chỉ hồi sinh sự sống cho người bệnh mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực y học Việt Nam.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, sự thành công của ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não đã mở ra triển vọng lớn đối với tương lai của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này cũng chứng minh rằng, y học Việt Nam đã có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng.
Đây cũng là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức mà không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài, thời gian ghép chỉ khoảng 5 tiếng.
Ông Thanh cho biết, hiện nay ông đang sống cùng con và 2 cháu ngoại, hàng ngày, ngoài việc nương rẫy và làm phụ hồ, ông còn cùng vợ chăm nom các cháu và cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ sử dụng thuốc thải ghép liều thấp.