Bất ngờ nhạc kịch

Tại Liên hoan Ca múa nhạc vừa diễn ra, lần đầu tiên có sự xuất hiện của 2 vở nhạc kịch Việt Nam 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và 'Bỉ vỏ' của Nhà hát Hải Phòng. Mới đây, vở nhạc kịch 'Khát vọng đỏ' thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khán giả. Nhiều người khi xem nhạc kịch bất ngờ thốt lên: Không ngờ nhạc kịch hay đến thế!

Cảnh trong vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo”.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo”.

Dễ tiếp cận khán giả trẻ

Vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” được công diễn cuối tuần qua tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều khán giả Thủ đô. “Khát vọng đỏ” dựa trên kịch bản văn học của tác giả Nguyễn Đăng Chương, kịch bản về đề tài xã hội, với nhiều xung đột, mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi chuyển thể sang loại hình nhạc kịch, tác giả kịch bản Phạm Thị Vân Anh đã tập trung xây dựng hình tượng người lính trong thời bình một cách gần gũi, chân thực.

“Khát vọng đỏ” mang phong cách của dòng nhạc kịch broadway, sử dụng phong cách âm nhạc đa dạng (từ ballad, pop đến rock). Những câu chuyện và âm nhạc trong vở nhạc kịch được thể hiện qua góc nhìn hiện đại, giúp tác phẩm dễ tiếp cận khán giả trẻ. Nhạc sĩ Đỗ Bảo - tác giả âm nhạc của vở nhạc kịch cho biết, điểm nhấn trong “Khát vọng đỏ” là 100% các nghệ sĩ tham gia biểu diễn live (trực tiếp), đưa khán giả cảm nhận âm thanh chân thực, từ tiếng đàn, tiếng sáo đến giọng hát đầy nội lực của các nghệ sĩ. Việc chuyển soạn phần âm nhạc đã được chuẩn bị rất kỳ công. Tham gia biểu diễn là các nghệ sĩ opera hàng đầu, với cách hát linh hoạt, được mở rộng tối đa, bám theo cảm xúc để thể hiện sao cho câu chuyện được chuyển tải hấp dẫn nhất.

Một vở nhạc kịch vừa công bố sẽ diễn vào ngày 23/12 tới tại Hà Nội cũng đang được khán giả “săn vé” là “Giấc mơ Chí Phèo” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Đây là tác phẩm vừa công diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 và thắng lớn với Giải xuất sắc cho vở diễn, 3 Huy chương vàng cá nhân, 3 Huy chương bạc cá nhân và Giải Nhạc sĩ xuất sắc cho tổng đạo diễn, nhạc sĩ Dương Cầm. Trước đó, hàng nghìn khán giả có mặt tại Nhà hát Vĩnh Phúc đã chứng kiến "Giấc mơ Chí Phèo" hồi sinh trên sân khấu Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch broadway được cảm tác từ văn chương nước nhà. Tại đây, nhiều khán giả bất ngờ vì nhạc kịch quá hay.

Bên cạnh đó, vở nhạc kịch "Bỉ vỏ" do biên đạo múa Tuyết Minh làm tổng đạo diễn trước khi tham dự Liên hoan và đạt Huy chương bạc cũng có những đêm diễn “cháy vé” ở Nhà hát Hải Phòng. Vở nhạc kịch chuyển thể từ tác phẩm "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng với kỳ vọng mang đến một vở nhạc kịch thuần Việt cho khán giả.

Nhìn nhận về xu hướng phát triển nhạc kịch thuần Việt, NSND Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội bày tỏ, thể loại nhạc kịch đang được nhiều đơn vị nghệ thuật nỗ lực dàn dựng, biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp. Riêng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc mới đây đã có 7 vở diễn nhạc kịch, trong đó có cả tác phẩm nhạc kịch kinh điển và nhạc kịch phong cách broadway. Có những vở nhạc kịch là các tác phẩm kinh điển của nước ngoài. Nhưng đáng chú ý, nhiều đơn vị đã mạnh dạn khai thác đề tài cách mạng, đề tài hiện thực phê phán trong kho tàng văn học Việt Nam.

“Bật đèn” cho sân khấu

Có thể thấy, thời gian qua các đơn vị nghệ thuật đã mạnh tay đầu tư cho nhạc kịch thuần Việt, dù chưa tạo được sức nóng nhưng những người làm nghề đã không ngại “thử lửa” để đưa khán giả đến gần hơn với loại hình nghệ thuật này.

Như vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã có những buổi công diễn khởi đầu đầy cảm xúc. Khán giả từ người lớn đến trẻ em đều bị cuốn vào vở diễn. Tác giả kịch bản, tổng đạo diễn vở nhạc kịch - NSƯT Tuyết Minh chia sẻ, “Dế Mèn phiêu lưu ký” ứng dụng tối đa phong cách nhạc kịch broadway, một loại hình sân khấu hấp dẫn nhất trên thế giới, kết hợp những chất liệu khác nhau của pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam, nhạc cổ điển với nghệ thuật thị giác của sân khấu. Vũ đạo lộng lẫy từ chất liệu dân gian Việt Nam bay bổng trên nền tảng cổ điển châu Âu sang trọng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Hay “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của nữ thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh. “Sóng” do NSƯT Cao Ngọc Ánh làm tổng đạo diễn. Ca khúc “Thuyền và biển” là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch. 10 bài thơ của Xuân Quỳnh được “âm nhạc hóa” để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh. Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng “Sóng” là vở nhạc kịch mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt.

Ở phía Nam, sân khấu kịch Hồng Vân công diễn vở nhạc kịch "Bông cánh cò" đã thu hút đông đảo khán giả yêu thích nhạc kịch thuần Việt. Theo NSND Hồng Vân, thể loại nhạc kịch nói chung và nhạc kịch thuần Việt nói riêng đang là xu hướng ăn khách của sân khấu kịch hiện nay. Đây là nỗ lực làm mới sân khấu kịch, phục vụ khán giả để đời sống sàn diễn TPHCM có thêm nhiều món ăn tinh thần mới cho công chúng.

Sự phát triển của nhạc kịch do người Việt sáng tác, biểu diễn đã bước đầu được công chúng đón nhận, mang lại không khí sáng tạo mới cho sân khấu nước nhà. Đây được kỳ vọng là hướng đi mới “đánh thức” sân khấu vốn vắng lặng suốt thời gian qua.

NSƯT Tuyết Minh - Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”:

Một thị trường thực sự cho hoạt động nghệ thuật

Dàn dựng vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” có thể nói là nhân duyên. Để viết kịch bản nhạc kịch “Bỉ vỏ”, tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng, hình dung bối cảnh của đất cảng Hải Phòng những năm 1937 - 1938. Không những vậy, tôi cũng phải tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh của Hải Phòng xưa để cảm nhận một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương ngày ấy. Mỗi ngày đi qua phố Hạ Lý, qua cầu Hạ Lý, tôi lại đầy ắp những viễn cảnh nghệ thuật hiển hiện trong tư duy. Tôi không muốn nhạc kịch “Bỉ vỏ” chỉ là minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng mà muốn kết nối với tư tưởng và cái thấy của tác giả về một Hạ Lý rất khác với bối cảnh của những văn bản nhưng lại gần với ký ức.

Với tôi, khi sáng tác hay dàn dựng tác phẩm nào tôi cũng rất kỹ lưỡng và làm khó chính mình. Chính vì vậy tôi luôn yêu cầu nghệ sĩ phải dành nhiều công sức, tâm huyết khi tập luyện cũng như làm việc nhóm để thực hiện tác phẩm hoàn hảo nhất trong khả năng. Nhạc kịch “Bỉ vỏ” không chỉ phải đạt được chất lượng nghệ thuật mà điều quan trọng ở thời điểm này là được sự yêu thích của công chúng, mở ra một thị trường thực sự cho các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

Hà Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-ngo-nhac-kich-10296429.html
Zalo