Bất cập trong quản lý khiến rừng phòng hộ ven biển liên tiếp bị xâm hại

Hơn 3 ha rừng thuộc Dự án 661 tại phường Phong Quảng, thành phố Huế và hàng trăm cây phi lao ở xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh vừa bị khai thác trái phép. Hai vụ việc liên tiếp cho thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý rừng phòng hộ ven biển...

Tổng diện tích rừng bị khai thác trái phép tại phường Phong Quảng là hơn 3ha

Tổng diện tích rừng bị khai thác trái phép tại phường Phong Quảng là hơn 3ha

Theo thông tin từ UBND thành phố Huế, ngày 2/7/2025, lực lượng kiểm lâm địa bàn phát hiện việc khai thác trái phép rừng trồng tại thôn An Lộc, phường Phong Quảng (trước đây là xã Quảng Công), thành phố Huế. Qua kiểm tra hiện trường, diện tích rừng bị chặt phá lên tới 3,1416 ha, trong đó có 2,5843 ha là rừng phòng hộ và 0,5573 ha rừng sản xuất. Tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị triệt hạ, nhiều thân cây còn để lại gốc mới cưa, vỏ rừng còn tươi.

Diện tích này thuộc Dự án 661 trồng rừng phòng hộ vùng cát, được triển khai từ năm 2008 nhằm phục hồi hệ sinh thái và chắn gió, cát ven biển. Từ tháng 9/2020, khu rừng do UBND xã Quảng Công (nay là UBND phường Phong Quảng) trực tiếp quản lý.

“LỖ HỔNG” QUẢN LÝ TỪ CẤP CƠ SỞ

Diễn biến vụ việc cho thấy quá trình tổ chức và kiểm soát ở cấp xã/phường tồn tại nhiều lỗ hổng. Theo kết quả điều tra bước đầu, ngày 18/2/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Công (cũ) đã họp và thống nhất chủ trương thanh lý diện tích rừng bị gãy đổ sau bão. Một ngày sau, UBND xã tổ chức cuộc họp và thống nhất giao 8 ha rừng sản xuất cho ông Nguyễn Văn Quốc (trú tại thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũ) khai thác, với mức giá 85 triệu đồng.

Tổng số cây bị khai thác là 1.461 cây

Tổng số cây bị khai thác là 1.461 cây

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Quốc chỉ khai thác 3,1416 ha – phần lớn lại là rừng phòng hộ, không được phép đụng đến. Tại buổi làm việc với chính quyền ngày 11/7, ông Quốc khai được cán bộ địa chính xã khi đó là ông Lê Nguyễn An chỉ dẫn vị trí khai thác, và chính ông An cũng thường xuyên có mặt giám sát quá trình chặt hạ rừng.

Trong vòng khoảng 12 ngày, ông Quốc thuê 6 lao động từ Quảng Trị vào khai thác và sử dụng 10 xe tải vận chuyển gỗ đi tiêu thụ tại Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Huế, với giá bán khoảng 900.000 đồng/tấn. Ngày 19/4/2025, ông Quốc chuyển khoản 85 triệu đồng cho bà Cao Thị Thủy – cán bộ thủ quỹ xã Quảng Công.

Đáng chú ý, ngày 14/5/2025, UBND xã Quảng Công yêu cầu hoàn lại số tiền vì lý do "khai thác chưa đủ diện tích 8 ha". Nhưng chỉ một ngày sau, ông Quốc lại chuyển khoản 30 triệu đồng cho ông Nguyễn Đình Thông – Chủ tịch UBND xã Quảng Công (nay là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng), đồng thời trực tiếp đưa thêm 35 triệu đồng tiền mặt cho ông Lê Nguyễn Oai – Phó Chủ tịch UBND xã tại thời điểm đó. Việc này diễn ra ngay tại phòng làm việc của ông Oai.

Theo nhận định ban đầu, việc bán rừng sản xuất đã dẫn đến khai thác nhầm sang rừng phòng hộ, vốn không thuộc diện được phép thanh lý. Càng nghiêm trọng hơn khi ông Lê Nguyễn An – cán bộ địa chính được giao giám sát – lại chính là người dẫn chỉ vị trí rừng bị chặt hạ.

Thực tế, từ ngày 23/4/2025, khu vực lô 152 và 161 – nơi xảy ra vụ chặt rừng – đã được đoàn kiểm tra liên ngành xác định là rừng phòng hộ, cần tăng cường bảo vệ. Tuy nhiên, công tác giám sát tại địa phương lại không được thực hiện đúng mức, dẫn tới việc khai thác trái phép diễn ra trót lọt.

Không chỉ riêng Huế, tại tỉnh Hà Tĩnh, mới đây cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo báo cáo của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Hà Tĩnh, trong hai ngày 24 và 30/6/2025, đơn vị phối hợp với UBND xã Thạch Hải và Công an xã phát hiện 2 hộ dân tự ý chặt phá cây phi lao tại tiểu khu 283, xã Thạch Hải (nay là xã Thạch Khê).

Cụ thể, tại các vị trí tọa độ (548389-2038142) và (547088; 2040337), hai hộ dân đã khai thác 135 cây phi lao – trong đó có 100 cây đường kính gốc từ 5 đến 20 cm, còn lại là những cây từ 21 đến 30 cm. Khu vực này là đai rừng phòng hộ chắn cát ven biển, có chiều rộng từ 20 đến 200 mét, do UBND xã Thạch Hải làm chủ quản lý.

Khu rừng phòng hộ ven biển ở thôn Bắc Hải của xã Thạch Khê (trước đây là xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh), hàng trăm gốc cây phi lao vốn là lớp chắn sóng, chắn gió ven biển đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc.

Khu rừng phòng hộ ven biển ở thôn Bắc Hải của xã Thạch Khê (trước đây là xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh), hàng trăm gốc cây phi lao vốn là lớp chắn sóng, chắn gió ven biển đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc.

Theo lý giải của địa phương, vào những năm 1990, khi dãy đất ven biển còn là đất trống, chính quyền xã vận động các hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng phi lao. Tuy nhiên, hiện nay, khi muốn khai thác, các hộ vẫn buộc phải lập phương án và xin phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Việc tự ý khai thác, dù trên diện tích do gia đình đầu tư trồng, vẫn vi phạm luật hiện hành.

Ngay sau khi phát hiện vi phạm, lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản đình chỉ việc chặt cây, tạm giữ lâm sản và chuyển hồ sơ để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

SIẾT CHẶT KIỂM TRA

Cả hai vụ việc tại Huế và Hà Tĩnh đều phản ánh một thực trạng đáng lo ngại trong công tác quản lý rừng phòng hộ ven biển, nơi đáng lẽ được bảo vệ nghiêm ngặt thì lại bị xâm hại ngay dưới sự quản lý trực tiếp của cấp cơ sở. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự lỏng lẻo trong giám sát, thiếu kiểm tra định kỳ và đặc biệt là sự mơ hồ trong phân định trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị.

Tại thành phố Huế, sau khi vụ việc xảy ra, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan rà soát, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, báo cáo trước ngày 22/7/2025. Thành phố cũng yêu cầu kiện toàn cơ chế phối hợp giữa chính quyền phường, xã với kiểm lâm địa bàn, đồng thời biên soạn tài liệu hướng dẫn rõ ràng về quyền hạn, nghĩa vụ trong quản lý rừng theo mô hình chính quyền hai cấp.

Về phía Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Các xã, phường có rừng được giao nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên, rà soát các khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại cao và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Tỉnh cũng yêu cầu rà soát diện tích đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê, đang do UBND xã quản lý để xây dựng phương án sử dụng phù hợp. Các chủ rừng phải tổ chức quản lý rừng theo phương án bền vững, tăng cường tuần tra, truy quét, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khai thác, lấn chiếm trái phép.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-cap-trong-quan-ly-khien-rung-phong-ho-ven-bien-lien-tiep-bi-xam-hai.htm
Zalo