Bão Wipha vào Biển Đông sẽ mạnh lên nhanh, Bắc Bộ nguy cơ lũ lớn
Bão Wipha đã vượt qua phía Bắc đảo Luzon (Philippines) và đang tiến vào Biển Đông với cường độ mạnh dần, gây mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ lớn ở khu vực Bắc Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 1h ngày 19/7, vị trí tâm bão Wipha ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Dự báo đường đi và hướng di chuyển của tâm bão.
Dự báo đến 1h ngày 20/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25 km/h, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Tâm bão khi đó ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc – 117,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 760 km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm được xác định từ vĩ tuyến 18,0N đến 23,0N và phía Đông kinh tuyến 116,0E. Khu vực này được cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Đến 1h ngày 21/7, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/h và có khả năng tiếp tục mạnh thêm. Tâm bão dự kiến ở khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc – 112,2 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu khoảng 210 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh cấp 11–12, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm mở rộng về phía Tây, gồm khu vực phía Bắc vĩ tuyến 19,5N và phía Đông kinh tuyến 110,0E. Cấp độ rủi ro thiên tai tiếp tục duy trì ở mức cấp 3 cho vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Lúc 1h ngày 22/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 20 km/h và có xu hướng suy yếu dần. Tâm bão nằm trên khu vực vịnh Bắc Bộ, tại vị trí khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc – 108,3 độ Kinh Đông. Sức gió giảm xuống cấp 9–10, giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm lúc này là khu vực phía Bắc vĩ tuyến 19,5N và phía Tây kinh tuyến 115,0E, bao gồm vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai vẫn duy trì ở cấp 3. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; sóng biển cao 3,0-5,0m. Biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, cơn bão Wipha đang hoạt động trong điều kiện môi trường rất lý tưởng. Nhiệt độ mặt nước biển, hiện tại quan trắc ở khu vực bão đang hoạt động và ở phía Bắc Biển Đông, vùng bão đi vào có nhiệt độ 30-31 độ.
Thứ hai, điều kiện độ đứt gió ở tầng khí quyển trên cao rất nhỏ, tạo điều kiện cho lượng ẩm tích tụ lại. Vì vậy, xu hướng 1-3 ngày tới, cơn bão Wipha sẽ mạnh lên. Theo ông Hưởng, cường độ cực đại của bão có thể đạt cấp 12, giật cấp 15 khi ở khu vực vùng biển phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Về tác động của bão số 3, ông Hưởng nhận định, có khả năng sẽ gây ra gió mạnh trên đất liền của nước ta và mưa lớn. Thời điểm ảnh hưởng, ông Hưởng cho rằng còn khá xa để nhận định bão tác động trực tiếp hay ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, với diễn biến như trên, khu vực Bắc Bộ, cũng như Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trong khoảng từ ngày 21/7 trở đi, có khả năng xảy ra gió mạnh vùng ven biển, sau đó gió mạnh trên đất liền.
Cũng từ ngày 21/7 trở đi đến khoảng ngày 23-24, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xảy ra đợt mưa rất lớn. "Chúng tôi cũng lưu ý khi bão Wipha di chuyển vào Biển Đông cũng trùng với thời điểm áp cao cận nhiệt đới lấn vào nên bão di chuyển nhanh hơn. Trong đợt mưa sắp tới, nguy cơ xảy ra lũ lớn ở khu vực Bắc Bộ; tình trạng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc Bộ, cũng như vùng núi phía Tây của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh” - ông Hưởng nhấn mạnh.
Vùng ảnh hưởng của bão từ Quảng Ninh - Nghệ An với phạm vi 1.713 xã của 18 tỉnh, thành. Cơ quan khí tượng cũng nhận định, đường đi, tác động của bão Wipha có hình dáng của bão Yagi, chính quyền và người dân cần rất lưu ý, có phương án phòng chống với bão mạnh khi đổ bộ ở cấp 10-11, giật cấp 14-15.
Cũng nhận định ban đầu, lượng mưa ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An từ 21-24/7 là khoảng 200-350mm, có nơi trên 600mm. Tuy nhiên, có phương án dự báo còn lệch lên phía Bắc, đi dọc đất liền ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm. Cơ quan khí tượng lưu ý đây là nhận định sơ bộ ban đầu, chính quyền địa phương và người dân cần chú ý cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo bão tiếp theo để có phương án chủ động ứng phó.
Xem thêm video: Cảnh báo nguy hiểm thả diều gần đường dây điện
Nguồn: ĐTHĐT.