Bão Wipha làm 'chao đảo' ngành du lịch khu vực

Bão Wipha khiến hàng loạt tour du lịch, chuyến bay và dịch vụ lưu trú tại Trung Quốc, Việt Nam và Philippines... bị đình chỉ trong nhiều ngày.

 Người đàn ông vật lộn với chiếc ô khi đi bộ ngược gió mạnh giữa lúc cơn bão đi qua Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Người đàn ông vật lộn với chiếc ô khi đi bộ ngược gió mạnh giữa lúc cơn bão đi qua Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Giữa tháng 7 – thời điểm du lịch cao điểm ở nhiều quốc gia châu Á – bão Wipha xuất hiện và nhanh chóng trở thành một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất mùa hè 2025. Wipha di chuyển từ biển Đông qua Hong Kong, miền nam Trung Quốc rồi vào bắc Việt Nam, để lại một dải ảnh hưởng trải rộng từ vịnh Manila đến vịnh Bắc Bộ.

Tốc độ gió giật hơn 160 km/h, mưa lớn kéo dài nhiều ngày và hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm khiến các tuyến hàng không, đường thủy, các điểm du lịch và dịch vụ lưu trú tại nhiều quốc gia đóng băng tạm thời.

 Giàn giáo tre của một tòa nhà bị đổ sập khi bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong (Trung Quốc) ngày 20/7. Ảnh: Reuters.

Giàn giáo tre của một tòa nhà bị đổ sập khi bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong (Trung Quốc) ngày 20/7. Ảnh: Reuters.

Tại Hong Kong, cảnh báo bão mức T10 (mức cao nhất) được phát đi sáng 20/7, khiến hơn 400 chuyến bay tại sân bay quốc tế Chek Lap Kok bị hủy hoặc hoãn. Theo Washington Post, khoảng 80.000 hành khách bị ảnh hưởng trực tiếp. Các điểm du lịch nổi tiếng như Disneyland Hong Kong, Bến cảng Victoria, đỉnh The Peak đều phải đóng cửa khẩn cấp.

Khu vực Quảng Đông và Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi đón lượng lớn khách nội địa và khách quốc tế, nhiều resort biển, công viên nước và tuyến du lịch ven sông bị đình trệ. Reuters ghi nhận nhiều bến phà ngưng hoạt động, cây xanh gãy đổ, du khách phải sơ tán về khách sạn.

Tại Việt Nam, cơn bão nhiệt đới quét qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa với sức gió mạnh và mưa lớn kéo dài từ ngày 22/7. Nhiều địa phương ghi nhận tình trạng mất điện, gián đoạn giao thông và phải tạm dừng các hoạt động du lịch, đặc biệt là tàu thuyền và tour biển đảo.

Hàng loạt cửa hàng ở Quảng Ninh đóng cửa, che chắn kín mít trước giờ cơn bão Wipha đổ bộ hôm 21/7. Ảnh: Việt Linh, Đinh Hà.

Hàng loạt cửa hàng ở Quảng Ninh đóng cửa, che chắn kín mít trước giờ cơn bão Wipha đổ bộ hôm 21/7. Ảnh: Việt Linh, Đinh Hà.

Toàn bộ tàu du lịch và tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long được yêu cầu dừng hoạt động ít nhất 48 giờ, trong khi các chuyến bay đến và đi từ các sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài bị điều chỉnh hoặc hủy.

Các doanh nghiệp lữ hành trong nước thông báo hủy tour biển đảo, chuyển hướng tour nội địa, dời lịch hoặc hoàn tiền cho khách. hiều khu nghỉ ven biển ngừng nhận đặt phòng mới, đồng thời triển khai phương án ứng phó thời tiết xấu.

Dù không nằm trên đường đi trực tiếp của bão, Philippines vẫn chịu ảnh hưởng từ hoàn lưu của Wipha, đặc biệt tại các khu vực Luzon và Visayas. Theo The Manila Times, hơn 300.000 người đã được sơ tán, bao gồm cả du khách tại các tỉnh ven biển như Quezon, Palawan và Albay.

 Đường sá một khu du lịch tại Philippines chìm trong biển nước do ảnh hưởng của bão Wipha. Ảnh: Reuters.

Đường sá một khu du lịch tại Philippines chìm trong biển nước do ảnh hưởng của bão Wipha. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Quản lý và Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai quốc gia (NDRRMC) báo cáo có hơn 1.000 chuyến phà bị đình chỉ trong hai ngày 20–21/7. Một số hãng hàng không trong nước cũng hủy hàng chục chuyến bay đến các điểm du lịch nổi tiếng như Boracay, Cebu, Bohol.

Loạt công ty điều hành tour tại Philippines cho biết chỉ tron vài ngày sau khi mưa lớn xảy ra, lượng khách hủy tour trong tháng 7 tăng hơn 20% so với dự kiến.

Tại Thái Lan, từ ngày 22 đến 23/7, hoàn lưu bão Wipha gây mưa lớn kéo dài ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Nan, Phrae, Loei và Chiang Rai.

Bangkok Post dẫn lời Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết nhiều tuyến đường du lịch ven sông Mekong bị ngập cục bộ, buộc chính quyền phải phát cảnh báo đến các khu nghỉ dưỡng và du khách. Các dịch vụ du lịch đường sông và hoạt động dã ngoại tại khu vực đã tạm ngưng trong vòng 2–3 ngày để đảm bảo an toàn.

Cũng theo báo này, tình hình thời tiết bất lợi trong tháng 7 đã ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi du lịch của Thái Lan. Tính đến ngày 20/7/2025, xứ Chùa Vàng đón khoảng 18,3 triệu lượt khách quốc tế, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, với tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 850 tỷ baht. Tình trạng thời tiết bất ổn kéo dài được cho là một trong những nguyên nhân khiến đà tăng trưởng bị chậm lại so với kỳ vọng ban đầu.

 Lũ lụt ở Luang Prabang, Lào. Ảnh: The Laotian Times.

Lũ lụt ở Luang Prabang, Lào. Ảnh: The Laotian Times.

Trong khi đó, từ ngày 21 đến 23/7, nhiều tỉnh tại Lào như Luang Prabang, Xayaboury và Bolikhamxay ghi nhận mưa lớn kéo dài, dẫn đến lũ cục bộ và sạt lở ven sông.

Theo The Laotian Times, nhiều khu nghỉ dưỡng ven sông ở Luang Prabang phải thông báo tạm thời đóng cửa. Chính quyền địa phương khuyến cáo du khách không di chuyển đến các khu vực rừng núi hoặc tham gia các tour trekking trong điều kiện thời tiết xấu.

Đáng chú ý, tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung, vốn là tuyến vận chuyển khách du lịch quốc tế quan trọng, cũng buộc phải dừng toàn bộ hoạt động vào ngày 23/7 để đảm bảo an toàn.

Hình ảnh sân bay vắng vẻ, tàu không thể khởi hành và các khu nghỉ dưỡng đóng cửa gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của du khách, nhất là những người đến từ thị trường xa như châu Âu, Mỹ. Đối với nhiều người, bão – dù chỉ là nguy cơ – cũng đủ để thay đổi hành trình hoặc chọn điểm đến khác có điều kiện khí hậu ổn định hơn.

Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, khả năng duy trì “tính liên tục” (continuity) trong trải nghiệm du lịch là một lợi thế mà châu Á hiện chưa đảm bảo.

Hơn nữa, đúng lúc du lịch châu Á đang trên đà phục hồi mạnh sau đại dịch, những cơn bão như Wipha trở thành phép thử cho khả năng ứng phó với rủi ro thiên nhiên. Từ việc hủy tour hàng loạt đến gián đoạn lưu thông và tâm lý e ngại của du khách, tác động của thời tiết lên ngành du lịch không chỉ mang tính ngắn hạn mà có thể ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến trong dài hạn.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bao-wipha-lam-chao-dao-nganh-du-lich-khu-vuc-post1571062.html
Zalo