Bảo vệ trẻ em trước tai nạn đuối nước
Nhằm tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Đồng thời, tập trung nâng chất công tác phổ cập bơi, trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trước những tình huống nguy cơ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, tỉnh An Giang đã làm tốt công tác phổ cập bơi trong những năm qua. Trong đó, tập trung cao điểm vào mùa hè hàng năm với lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tỉnh An Giang (lễ phát động).
Cụ thể, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các cấp, các ngành thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. tuyên truyền, vận động toàn dân, đặc biệt là trẻ em, tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, bồi dưỡng kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước.
Để công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, trường học trong tỉnh tổ chức lễ phát động. Tập huấn cho cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ về kỹ năng tổ chức dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, cộng đồng. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, các giải thể thao cho học sinh, trẻ em tham gia.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đào Sĩ Tuấn cho biết: “Những năm qua, An Giang thực hiện khá tốt chương trình phổ cập bơi, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em tại các vùng sông, rạch, vùng thường xuyên có lũ lụt. Đồng thời, chúng tôi đã phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thi bơi, lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em”. hội thi đã qua 17 lần tổ chức, mang lại tác dụng tích cực đối với phong trào phổ cập bơi của tỉnh, thúc đẩy người dân quan tâm nâng cao kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho bản thân, người thân và cộng đồng”.
Ông Đào Sĩ Tuấn cũng cho hay, Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tỉnh An Giang và Hội thi bơi, lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” năm 2024 có sự tham dự của 700 em học sinh trên địa bàn TP. Châu Đốc và 144 vận động viên của 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là cơ hội để các em học sinh, vận động viên được tham gia thi đấu, trau dồi kỹ năng bơi, kỹ năng cứu đuối, rèn luyện thể lực và ý chí, góp phần phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
Là đơn vị đăng cai lễ phát động và Hội thi bơi, lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” năm 2024, UBND TP. Châu Đốc đã tạo mọi điều kiện để các vận động viên thi đấu thuận lợi, đảm bảo tính hấp dẫn của hội thi. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức rõ tác dụng tích cực của việc tập luyện môn bơi đối với bản thân và cộng đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho hay: “Thông qua lễ phát động và Hội thi bơi, lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” năm 2024, chúng tôi mong muốn nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, hội thi cũng là cơ hội để ngành thể thao bồi dưỡng các tài năng, tuyển chọn vào đội tuyển bơi lội tỉnh An Giang, đưa phong trào tập luyện môn bơi trong mọi tầng lớp Nhân dân ngày càng phát triển”.
Với các vận động viên, Hội thi bơi, lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” là cơ hội để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng cứu đuối trong thực tế. Vận động viên Nguyễn Hoàng Thái Phong (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Bản thân tôi rất phấn khởi khi tham gia thi đấu tại hội thi năm nay nhằm nâng cao kỹ năng bơi, lặn cứu đuối, giúp mình phản ứng tốt với tình huống có thể xảy ra. Tôi nghĩ, mỗi người không chỉ bồi dưỡng kỹ năng bơi để bảo vệ bản thân mình, mà còn phải nắm bắt được kỹ năng cứu đuối nhằm giúp đỡ người khác khi có tình huống xảy ra. Hội thi cũng là cơ hội để tôi gặp gỡ, giao lưu với vận động viên đơn vị bạn nhằm củng cố niềm đam mê đường đua xanh, góp phần phát triển phong trào bơi lội của tỉnh nhà”.
Với ý nghĩa tích cực từ Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước và Hội thi bơi, lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” tỉnh An Giang năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục nâng chất hoạt động này trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các trường học và phụ huynh chung tay thúc đẩy sự phát triển bền vững của chương trình phổ cập bơi, hạn chế tối đa tai nạn đuối nước cho trẻ em trong thời gian tới.