Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng là sứ mệnh của mỗi luật sư
Trong nền tư pháp hiện đại, luật sư giữ một vai trò đặc biệt vừa là người đại diện pháp lý và góp phần bảo vệ công lý. Tuy nhiên, việc bảo vệ này không phải là vô điều kiện mà phải luôn đặt trong khuôn khổ pháp luật và chuẩn mực đạo đức hành nghề.
Luật sư là người được Nhà nước trao quyền hành nghề, được pháp luật công nhận là chủ thể thực hiện hoạt động nghề nghiệp độc lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Bảo vệ thân chủ và giới hạn của của sứ mệnh ấy
Sứ mệnh ấy không chỉ mang tính pháp lý, mà còn mang giá trị đạo đức, bởi luật sư không đơn thuần làm công việc “dịch vụ pháp lý”, mà còn góp phần bảo vệ công lý và duy trì sự tôn nghiêm của pháp luật.
Mặc dù bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là mục tiêu, là nghĩa vụ hàng đầu, nhưng pháp luật là giới hạn cao nhất mà luật sư không thể vượt qua. Một luật sư không thể và không được phép viện dẫn danh nghĩa bảo vệ thân chủ để tiếp tay cho hành vi trái pháp luật như làm sai lệch hồ sơ vụ án, xúi giục cung cấp lời khai gian dối, đe dọa nhân chứng, hoặc dùng thủ đoạn không chính đáng để đạt được lợi thế.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng, pháp lý và đạo đức
Theo quy định hiện hành của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, các Luật sư khi hành nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt 32 Quy tắc đạo đức được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13-12-2019. Như vậy, Luật sư không chỉ bị ràng buộc bởi pháp luật, mà còn bởi quy tắc đạo đức nghề nghiệp – một hệ thống chuẩn mực thể hiện phẩm chất, bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp.
Đạo đức hành nghề không chỉ là nguyên tắc mà còn là “la bàn nghề nghiệp”, giúp luật sư giữ được chuẩn mực trong những tình huống khó xử, đầy áp lực hay khi ranh giới đúng - sai trở nên mong manh.

Luật sư – Thạc sĩ Lê Kiên Lương, Giám đốc Công ty Luật Thiên Hương – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư giỏi không chỉ am hiểu luật, có năng lực tranh tụng, mà còn biết cân bằng giữa hiệu quả và sự chính trực. Có những lúc, luật sư phải lựa chọn giữa giải pháp “hiệu quả nhanh” nhưng rủi ro pháp lý, với giải pháp “chậm nhưng đúng luật”. Khi đó, sự lựa chọn đúng phụ thuộc vào lương tâm nghề nghiệp và tôn chỉ hành nghề.
Luật sư không thể là “người làm mọi giá” để thắng kiện, mà là người bảo vệ thân chủ một cách minh bạch, đúng luật và có trách nhiệm với xã hội.
Tạo dựng niềm tin và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền
Khi luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ một cách chuẩn mực trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức, thì điều thân chủ nhận lại không chỉ là một “vụ việc thắng lợi”, mà là niềm tin vào pháp luật, vào công lý và vào nghề luật sư.
Từ những vụ việc nhỏ đến các vụ án lớn, việc luật sư hành xử đúng mực cũng góp phần củng cố uy tín của hệ thống tư pháp, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, ổn định và tôn trọng luật lệ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ không phải là hành động tuyệt đối hóa lợi ích, mà là một sứ mệnh cao quý – được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và trên nền tảng đạo đức nghề nghiệp. Một luật sư chân chính không chỉ là người đại diện pháp lý, mà còn là người mang sứ mệnh gìn giữ công lý, thể hiện giá trị đạo đức nghề nghiệp và góp phần xây dựng một nền tư pháp công minh, tiến bộ.