Bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Trong chương trình làm việc Kì họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, sáng nay, 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Liên quan đến quy định "Công đoàn đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện ra tòa khi quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm” tại dự thảo Luật Công đoàn, các đại biểu cho rằng vướng mắc lâu nay chính là thủ tục để tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động và tập thể người lao động để khởi kiện ra tòa.
Bà Trần Kim Yến, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chúng ta cần làm rõ ở nội dung này là đại diện đương nhiên hay là đại diện có điều kiện, đại diện theo ủy quyền. Như chúng ta thấy ở khoản 3 Điều 28 dự thảo luật cũng quy định công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn chỉ được thực hiện khi được ủy quyền, tức là đại diện để bảo vệ quyền lợi có ghi rõ là đại diện khi được ủy quyền, còn đối với công nhân, người lao động thì không ghi rõ, cho nên, tôi đề xuất cần làm rõ. Cá nhân tôi đề xuất nên là đại diện đương nhiên, đây là trách nhiệm của tổ chức công đoàn khi bảo vệ số đông công nhân, người lao động của mình”.
Bà Lê Thị Thanh Lam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Quy định hiện nay, tổ chức công đoàn được ủy quyền của người lao động thì mới được tham gia phiên tòa. Thực tế thì chúng ta thấy tổ chức công đoàn rất khó khăn trong việc đại diện bảo vệ người lao động không ủy quyền cho tổ chức công đoàn đại diện. Đơn giản hóa thủ tục để tổ chức công đoàn là đại diện đương nhiên cho đoàn viên công đoàn và người lao động, khi quyền, lợi ích của người lao động bị xâm phạm, nhất là việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp".
Các đại biểu phản ánh, hiện nay mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở là rất thấp, trong khi khối lượng công việc khá nhiều. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa tới đời sống người lao động.
Nhất trí cao với việc duy trì kinh phí công đoàn 2%, các đại biểu nêu rõ: qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp xây dựng công đoàn đủ mạnh để chăm lo và tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động cho đoàn viên, người lao động.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.