Bảo vệ hạnh phúc gia đình trước tác động của mạng xã hội

Đã là năm thứ 23, đất nước ta nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, ngày 4/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay có chủ đề là: 'Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng'.

Tính bền vững của gia đình Việt Nam truyền thống đang dần bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại. Ảnh tư liệu: Duy Hán

Tính bền vững của gia đình Việt Nam truyền thống đang dần bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại. Ảnh tư liệu: Duy Hán

Đây là dịp để các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị và mỗi cá nhân nhớ đến vị trí, vai trò của gia đình, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên trong việc tổ chức cuộc sống, xây dựng mối quan hệ và phòng, chống bạo lực gia đình vì mục tiêu cao nhất của mỗi gia đình là: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững. Gia đình có vai trò, vị trí quan trọng như thế, nhưng chưa bao giờ hạnh phúc gia đình, tổ ấm của các thành viên lại bị tác động của nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến tính bền vững của gia đình Việt Nam truyền thống như ngày nay.

Một trong các yếu tố đã và đang tác động không nhỏ đến hạnh phúc của từng gia đình và có thể làm biến dạng và mai một nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam chính là các mạng xã hội. Cần phải khẳng định ngay là không phải Internet và các mạng xã hội làm biến dạng giá trị tốt đẹp của gia đình mà nguyên nhân chính là do con người quá lạm dụng, trở thành "nô lệ" của những sản phẩm, tiện tích do Internet, các mạng xã hội mang lại. Từ khi các mạng xã hội ra đời, số lượng người dùng ở nước ta ngày càng tăng.

Thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 73% người dân dùng Internet ; có khoảng 67 triệu tài khoản facebook; 63 triệu tài khoản Youtube và khoảng 50 triệu tài khoản Tiktok... Dưới tác động của Internet và các mạng xã hội, gia đình Việt Nam ngày nay đã có sự biến đổi sâu sắc thể hiện rõ nét nhất là trong các mối quan hệ vợ-chồng; cha, mẹ-con cái; ông bà- con cái-cháu, chắt...

Người ta cho rằng: mạng xã hội vừa giúp cho con người gần nhau hơn và vừa làm cho người ta xa nhau hơn. Thật vậy, nhờ có Internet, mạng xã hội và những thiết bị nhỏ bé như điện thoại, Ipad... con người ở bất kỳ đâu trên thế giới này vẫn có thể trực tiếp nói chuyện, trao đổi thông tin với nhau như đang ở gần, miễn là có mạng.

Mạng xã hội còn đem lại bao điều thú vị khác như: Thông tin, trò chơi, mua sắm, giải trí... và đây cũng là nguyên nhân làm cho những con người cùng sống trong một mái nhà mà cảm thấy càng ngày càng xa nhau hơn. Các thành viên gia đình sau một ngày làm việc, bố mẹ từ công sở, con cái từ trường học trở về. Bữa cơm tối là nơi hội tụ, đoàn kết, ríu rít tiếng con trẻ nô đùa, đầm ấm gia đình dường như nay đã ít hơn rất nhiều.

Tất cả các thành viên đều ít nói, vội vã, thậm chí có người vừa ăn, vừa điện thoại, nhắn tin, lướt web, rồi nhanh chóng ai về phòng đó để làm những việc theo sở thích của mình. Người chồng dùng điện thoại để trao đổi công việc, đọc những thông tin cần thiết... Người vợ tìm những mẫu trang phục mới hoặc xem tiếp những tập phim đang theo dõi, hoặc nói chuyện qua zalo, facebook, messenger... với bạn bè, người thân. Các con cũng mỗi đứa một phòng và với thiết bị kết nối mạng, chúng đọc gì, xem gì, nói chuyện với ai chỉ có chúng mới biết.

Sống cùng không gian trong một nhà nhưng con cái, cha mẹ cũng ít hoặc không nói chuyện, mà mê mải với "thế giới ảo" trên mạng. Gia đình bây giờ chắc không ở đâu còn cảnh như bài thơ "Bữa cơm yêu thương" mà thế hệ chúng tôi thuộc lòng từ thời còn đi học.

"Mỗi ngày sau bữa cơm chiều

Dưới đèn một cảnh thương yêu quây quần

Mẹ em sàng gạo dưới sân

Cha em nghe đọc rõ ràng từng câu

Bé em chạy trước chạy sau

Khoác vai rồi lại kề đầu bên cha

Con mèo ngồi gọn giữa nhà

Lim dim đôi mắt như là thủy tinh".

Nhiều gia đình bây giờ là thế, mỗi người dường như có một thế giới riêng cho mình mà ít quan tâm, sẻ chia, trao đổi với người cùng nhà. Ngay cả khi hai vợ, chồng ở chung một phòng, họ cũng rất kiệm lời với nhau mà để dành thời gian cho nhu cầu thông tin, giải trí trên web và cũng không loại trừ có người dành cho người "thân thiết, hiểu mình" đang ở đâu đó ngoài kia.

Vợ, chồng trong một nhà mà không có sự trao đổi, sẻ chia, thấu hiểu, cộng với những áp lực công việc, cuộc sống, con cái học hành, sẽ tạo ra cảm giác cô đơn, buồn bã, chán nản... Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Theo một thống kê, số vụ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, khoảng 60.000 vụ/năm, ước tính cứ 4 cặp kết hôn thì sẽ có 1 cặp ra tòa ly hôn, đặc biệt tỷ lệ giới trẻ "yêu nhanh, cưới vội" và ra tòa ly hôn cũng rất cao.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có lý do là vì "nghiện" điện thoại chơi game, lướt web nên vợ, chồng không nói chuyện với nhau, không chia sẻ việc nhà, không quan tâm đến đối phương và cuối cùng là dẫn đến ra tòa án, đường ai nấy đi...

Ly hôn dấu chấm hết một cuộc hôn nhân. Người chồng, người vợ có thể sẽ lại tìm được hạnh phúc mới. Chỉ khổ những đứa con của các gia đình ly hôn, ở với cha thì thiếu mẹ, ở với mẹ thì vắng cha; dẫn đến tâm lý buồn bã, chán nản, giảm sút học tập và dễ mắc phải các tai, tệ nạn xã hội... hậu quả khôn lường.

Vì vậy, để bảo vệ hạnh phúc gia đình, mỗi một thành viên trong gia đình cần phải có sự hiểu biết về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, từ đó ra sức vun đắp xây dựng "tổ ấm". Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao quý đối với mỗi một con người.

Chúng ta luôn phải trân trọng, nâng niu và gìn giữ tình cảm gia đình. Với những người "nghiện game" hay thích lướt web, hãy bỏ bớt "thế giới ảo" trên mạng để trở về với cuộc sống đích thực của mình bằng cách quan tâm và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; tôn trọng và bình đẳng với nhau nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cuộc sống của con người từng giây, từng phút đều rất quý, nhưng quý giá nhất là những phút, giây chúng ta được sống bình yên trong mái nhà của mình với sự đùm bọc, yêu thương của những người thân trong gia đình. Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), mỗi người chúng ta cùng suy nghĩ và hành động để xây đắp cho gia đình mình thêm hạnh phúc.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ve-hanh-phuc-gia-dinh-truoc-tac-dong-cua-mang-xa-hoi/d20240628082426996.htm
Zalo