Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận

Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng vị thế của Bình Thuận trong khu vực và cả nước.

Công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn

Đầu thập kỷ 1940, đờn ca tài tử bắt đầu rộ lên ở Mũi Né, Phú Long, Hàm Thuận, Chợ Lầu. Nơi diễn ra hoạt động này chủ yếu là sân đình, dinh, vạn… Sau thời gian thành lập và bầu Ban Chủ nhiệm lâm thời vào năm 2005, đến cuối năm 2020, CLB ĐCTT tỉnh Bình Thuận chính thức Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2020 – 2023. Ngoài Câu lạc bộ đờn ca tài tử của tỉnh còn có các nhóm ĐCTT sinh hoạt tự phát tại các huyện, thị xã, thành phố, trong đó huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết là những nơi có số lượng người và nhóm ĐCTT phát triển. Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật ĐCTT. Đây là việc làm thiết thực nhằm bảo tồn vốn văn nghệ dân gian dân tộc, kết hợp giáo dục lòng yêu quê hương đất nước qua các làn điệu dân ca.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Các thiết chế văn hóa còn khá nghèo nàn, thiếu thốn, địa điểm để duy trì loại hình nghệ thuật ĐCTT đang ngày một thu hẹp dần, các CLB, đội, nhóm, các nghệ nhân có quá ít sân chơi để giao lưu, biểu diễn nhằm duy trì phát huy tài năng. Một bộ phận thế hệ trẻ không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống mà tiếp thu thiếu chọn lọc các luồng văn hóa nghệ thuật từ bên ngoài du nhập vào nước ta. Đối với việc truyền nghề, đa phần những người chơi nhạc tài tử biết đờn được truyền dạy một cách nghiệp dư chứ chưa được đào tạo thực sự bài bản nên lực lượng soạn giả cũng như những nghệ nhân ở lĩnh vực này còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng. Chưa kể nhiều câu lạc bộ hoạt động theo hình thức “tự thân vận động” là chính nên rất khó duy trì sinh hoạt, tổ chức các hoạt động truyền dạy và biểu diễn thường xuyên. Chưa có chính sách hỗ trợ việc truyền dạy, đầu tư, đãi ngộ để xây dựng được một đội ngũ chuyên nghiệp nhằm phát huy di sản ĐCTT. Hiện nay, một số câu lạc bộ, một vài nhóm tổ chức hoạt động theo kiểu “cây nhà lá vườn, tự lực cánh sinh”. Nghệ nhân ngày càng ít đi do tuổi già sức yếu, giới trẻ chưa thật sự am hiểu và tâm huyết với ĐCTT như các bậc tiền bối, cha anh đi trước. Bên cạnh đó nghệ nhân nòng cốt phần nhiều đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn, do sự du nhập của nhiều hình thức âm nhạc thị trường...

Tiếp tục bảo vệ và phát huy ĐCTT

Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTTNB trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, từ đó đến nay mỗi năm ngân sách tỉnh đã quan tâm đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTTNB trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Để bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa phi vật thể này cần phải có chính sách đầu tư vật thể gồm đầu tư cho con người, cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí hoạt động, nhằm phát huy khai thác, sáng tạo của cộng đồng tạo ra những sản phẩm, giá trị văn hóa mới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTTNB là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đờn ca tài tử. Ảnh: Đ.Hòa

Đờn ca tài tử. Ảnh: Đ.Hòa

Bên cạnh đó, việc phát triển đa dạng các loại hình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các xã, phường, thị trấn chính là không gian để các nghệ nhân, các CLB giao lưu thông qua các cuộc thi ĐCTT hoặc lồng ghép vào các lễ hội văn hóa truyền thống. Đưa hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTTNB vào kế hoạch công tác hàng năm của các Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị và thành phố để hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện. Phát huy vai trò chủ trì của Trung tâm Văn hóa tỉnh trong việc chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong hệ thống CLB ĐCTT trong tỉnh. Hàng năm tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật ĐCTT trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho các tài tử ca và tài tử đờn có dịp trao đổi nghệ thuật và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật ĐCTT phục vụ nhân dân và du khách trong các dịp lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước và dân tộc. Gắn kết chặt chẽ giữa việc duy trì, phát huy các hoạt động hiện hữu với việc mở các lớp hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghệ thuật ĐCTT.

Phát huy vai trò chủ đạo của các nghệ nhân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt là đưa hoạt động nghệ thuật ĐCTT phục vụ khách du lịch tại các điểm các khu du lịch góp phần phục vụ phát triển du lịch là điều kiện để các di sản văn hóa này có thể tồn tại lâu dài, bền vững. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn kinh phí để phục vụ cho các hoạt động ĐCTT, đầu tư kinh phí cho các hoạt động mang tính định hướng truyền dạy, tập huấn, liên hoan, hội thi, hội diễn ĐCTT các cấp. Từ đó góp phần giữ gìn, tôn vinh nghệ thuật truyền thống, từng bước nâng cao giá trị của ĐCTT gắn với văn hóa sinh hoạt thường ngày ở cộng đồng dân cư.

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-duoc-unesco-cong-nhan-126040.html
Zalo