Bảo tồn văn hóa Mông từ du lịch cộng đồng
Sự phát triển của du lịch cũng đi kèm với những thách thức trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Giữa bối cảnh đó, Khu du lịch bản Cát Cát (Lào Cai) nổi lên như một điểm sáng, nơi văn hóa Mông được gìn giữ, truyền dạy và phát huy một cách bền vững, song hành với việc tạo ra sinh kế và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Khu du lịch Cát Cát
Một trong những nhân vật mang vai trò nòng cốt trong công cuộc bảo tồn văn hóa Mông tại Cát Cát là ông Giàng Seo Già, 66 tuổi. Với ba năm làm công việc dạy học tại đây, ông đã và đang truyền dạy những giá trị văn hóa quý báu cho thế hệ trẻ. Lớp học của ông không phải là một trường lớp quy củ theo kiểu chính quy mà là một lớp học bảo tồn văn hóa Mông. Lớp học này không phân biệt lứa tuổi, từ học sinh lớp 1 đến lớp 9 đều có thể tham gia.
Nội dung giảng dạy của ông Giàng Seo Già vô cùng phong phú, bao gồm nhiều khía cạnh của đời sống và văn hóa Mông. Các em được học cách đan lát, đóng các thùng đập lúa, đan bồ... Không chỉ dừng lại ở các kỹ năng thủ công, ông còn truyền dạy cách làm nhà, cách thờ cúng tổ tiên và cả những bài hát giao duyên.
Lịch học của lớp cũng rất linh hoạt để phù hợp với lịch học chính khóa của các em. Vào các ngày thường (thứ 2 đến thứ 6), các em vẫn đi học ở trường. Thứ 7 và Chủ nhật, các em sẽ đến lớp học văn hóa này. Đặc biệt, vào thời gian nghỉ hè, ông Giàng Seo Già dạy liên tục trong suốt 2-3 tháng.
Mỗi buổi học kéo dài 45 phút, sau đó nghỉ 15 phút, cứ như vậy cả buổi sáng và chiều. Mặc dù mức độ nhận thức của các cháu khác nhau, nhưng lớp học không yêu cầu phân lớp, ông dạy dựa trên những gì mình biết và kinh nghiệm sẵn có, không cần soạn giáo án. Điều này thể hiện sự tâm huyết và kiến thức sâu rộng của ông, người trước đây từng là Giám đốc trung tâm văn hóa huyện Sa Pa (nay là phường Sa Pa) và là nghệ nhân ưu tú của người Mông.

Các cháu được học các nét độc đáo của văn hóa Mông
Sự phát triển của bản Cát Cát không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa mà còn nổi bật với chính sách nhân văn trong tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Sa Pa đã có chủ trương xây dựng các bản du lịch cộng đồng để giới thiệu văn hóa của người dân tộc Mông đến du khách và bản Cát Cát là một ví dụ điển hình.
Trước đây, đời sống của người dân ở Cát Cát rất khó khăn do điều kiện tự nhiên và sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu thốn. Trẻ em bỏ học, lang thang, và tệ nạn xã hội ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, du lịch ở Cát Cát bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi một công ty du lịch đã tiếp quản và phát triển bản Cát Cát thành một điểm du lịch cộng đồng. Mục tiêu của công ty không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là nâng cao đời sống và bảo tồn văn hóa cho người dân tộc Mông.

Lớp học truyền dạy văn hóa Mông của ông Giàng Seo Già tại khu du lịch Cát Cát
Cty TNHH một thành viên du lịch Cát Cát đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân tộc Mông tại đây. Công ty có khoảng 250 cán bộ và nhân viên thì người Kinh chỉ có 8 người, còn lại đại đa số là người địa phương và đều là đồng bào dân tộc thiểu số.
Công ty cũng có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho trẻ em và người già. Đối với trẻ em của các gia đình làm việc tại Cát Cát, công ty tài trợ chi phí học hành, quần áo và giáo viên để học văn hóa, đồng thời được dạy các nghề truyền thống như thổi khèn, hát Mông, vẽ sáp ong hay trở thành diễn viên.
Bản Cát Cát đang trở thành một ví dụ điển hình cho du lịch văn hóa cộng đồng tại Việt Nam. Thành công của Cát Cát là sự kết hợp giữa lợi ích của người dân, sự hỗ trợ của chính quyền và tầm nhìn của chủ đầu tư. Khu du lịch Cát Cát là một minh chứng cho thấy sự thay đổi tích cực trong tâm thức của những người làm du lịch và du khách khi đến đây.