Bảo tồn và phát huy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong kỷ nguyên mới

Ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã trở thành tài sản chung khi chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm trầu têm cánh phượng của người Quan họ, ngày 13/10/2024. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm trầu têm cánh phượng của người Quan họ, ngày 13/10/2024. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đến nay, sau 15 năm được ghi danh, di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn trường tồn, lan tỏa theo thời gian và không gian. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã mang một diện mạo mới, sức sống mới, hòa vào nhịp thở của thời đại, giữ vai trò thiết thực trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Dân ca Quan họ vươn ra thế giới

Sau khi được UNESCO ghi danh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng chứng minh sức ảnh hưởng ở trong nước và vươn ra thế giới. Quan họ xuất hiện như một trong những đại diện tiêu biểu của văn hóa Việt Nam trong các sự kiện chính trị, các hoạt động văn hóa đối ngoại, các chương trình đón tiếp nguyên thủ quốc gia, những cuộc gặp gỡ, hợp tác giao lưu với giới chức lãnh đạo nước ngoài...

Kể từ năm 2009 đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tham mưu tổ chức gần 1.600 chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ phục vụ nhân dân trong tỉnh và giới thiệu, quảng bá di sản với công chúng khán giả trong nước, quốc tế. Với hoạt động quảng bá di sản tại nước ngoài, Bắc Ninh tổ chức 15 đoàn đi biểu diễn quảng bá tại nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Czech, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất...

Dù khác biệt thể chế chính trị, điều kiện kinh tế, không cùng ngôn ngữ nhưng sự hiện diện của những làn điệu dân ca Quan họ tinh tế, tâm tình với Mời nước mời trầu, Phùng quan tế hội, Ngồi tựa mạn thuyền, Dệt gấm thêu hoa, Vui bốn mùa... cùng lề lối giao tiếp lịch lãm, duyên dáng của các liền anh, liền chị đã kết nối, làm cho người với người trở nên thân gần, thấu hiểu nhau hơn.

Mới đây nhất, hồi tháng 10/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường đã cùng thưởng lãm dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong làn điệu đằm thắm, mượt mà của bài quan họ Mời nước mời trầu, các nghệ sĩ Quan họ Bắc Ninh đã giới thiệu và mời hai Thủ tướng trầu cánh phượng.

Việc đưa Dân ca Quan họ Bắc Ninh vào các hoạt động ngoại giao đã chứng tỏ tầm nhìn về truyền thống văn hóa được chú trọng từ cấp quốc gia, góp phần tăng cường đối thoại văn hóa, tôn trọng sự đa dạng, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng có sự ảnh hưởng lớn ở trong nước và vươn ra thế giới. (Nguồn: Báo Bắc Ninh)

Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng có sự ảnh hưởng lớn ở trong nước và vươn ra thế giới. (Nguồn: Báo Bắc Ninh)

Cách Bắc Ninh bảo tồn di sản

Trong 15 năm qua, tỉnh Bắc Ninh thực hiện toàn diện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy di sản giá trị Dân ca Quan họ.

Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo; Hội đồng Nhân dân ban hành nhiều nghị quyết làm căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai đồng bộ, bài bản và khoa học. Cụ thể hóa chính sách, tỉnh triển khai chuỗi các chương trình hành động, đề án, dự án và đầu tư nguồn lực hàng trăm tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ. Chú trọng từ công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn vốn cổ; tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân cho đến đầu tư phục dựng thiết chế Quan họ; mở rộng hoạt động truyền dạy và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền quảng bá, thực hành giới thiệu di sản...

Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân Quan họ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt dành nhiều nguồn lực để giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này với công chúng quốc tế.

Lĩnh vực sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học thực hiện bài bản như: ký âm hàng trăm làn điệu cổ; tái bản và xuất bản nhiều đầu sách về văn hóa Quan họ; hoàn thiện phim tư liệu về các hình thức diễn xướng Quan họ truyền thống; hàng chục công trình nghiên cứu chuyên sâu về Quan họ ra đời; phát hành hàng chục nghìn bản đĩa DVD chương trình Về miền Quan họ…

Về mặt tuyên truyền quảng bá, Bắc Ninh đã và đang làm rất tốt thông qua việc tổ chức liên tiếp các chương trình nghệ thuật Về miền Quan họ, các Festival Bắc Ninh, chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá di sản trong và ngoài nước... Quan họ được quảng bá với thời lượng lớn trên phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều kênh, tài liệu sách vở.

Bước vào giai đoạn mới, ngoài cơ chế, chính sách và các chương trình hành động chung, Bắc Ninh dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Công tác truyền dạy Quan họ được triển khai bài bản, đa dạng mô hình. Quan họ đang được bảo tồn và phát huy tốt ở bốn môi trường là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, các cấp trường học trên địa bàn tỉnh và cộng đồng. Xét riêng môi trường cộng đồng, toàn tỉnh hiện có trên 600 Câu lạc bộ (CLB) Quan họ, trong đó có 44 làng Quan họ gốc và 150 làng Quan họ thực hành được công nhận. Đây là một trong những mô hình lưu giữ, nuôi dưỡng di sản hiệu quả, đồng thời còn là “cái nôi” ươm mầm tài năng nghệ thuật, nhất là thế hệ trẻ.

Đặc biệt, từ năm học 2011-2012, Bắc Ninh đã hoàn thành biên soạn tài liệu và đưa dân ca Quan họ vào giảng dạy ở cả bốn bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Hệ thống thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa Quan họ cũng được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, tiêu biểu như Công trình nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh có tổng mức đầu tư hơn 178 tỷ đồng; đưa vào sử dụng 11 nhà chứa Quan họ với trị giá từ 8-10 tỷ đồng/thiết chế; xây dựng sáu chòi hát Quan họ trên đồi Lim.

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên và hiện là duy nhất trong cả nước có chế độ trợ cấp hằng tháng cho nghệ nhân Dân ca Quan họ. Ngoài ra, hằng năm tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.

Qua thời gian, các thế hệ người dân Bắc Ninh từng ngày nâng niu gìn giữ, truyền dạy, chắp cánh cho những làn điệu Quan họ lan tỏa, vươn xa đến khắp nơi trên đất Việt và cả bạn bè thế giới. Hình ảnh Bắc Ninh giàu bản sắc văn hóa, hiện đại, di sản Quan họ có truyền thống từ hơn 300 năm vẫn vang rền hòa vào nhịp sống ngày nay mà chưa bao giờ cũ. Đây cũng chính là giá trị bền đẹp nhất mà di sản để lại, giúp Dân ca Quan họ trường tồn, hòa vào nhịp thở của thời đại và phát triển trong kỷ nguyên mới.

“Người Quan họ đến với nhau không chỉ có ca hát mà là cả một lối chơi văn hóa. Dù đi nơi khác, ở đâu người Bắc Ninh vẫn hát, vẫn chơi Quan họ. Đây chính là khu biệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh với các thể loại khác trong nghệ thuật trình diễn mà UNESCO đánh giá cao khi vinh danh”. GS.TS Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Trịnh Hữu Hùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ton-va-phat-huy-dan-ca-quan-ho-bac-ninh-trong-ky-nguyen-moi-295494.html
Zalo